Làng Vĩnh Hoà (Hợp Thành, Yên Thành)
những năm qua nhờ phát huy ngành nghề truyền thống như làm bún bánh, giò
chả… cuộc sống của bà con giáo dân nơi đây đang ngày càng đổi thay.
Ông Lưu Đức Bằng –Trưởng xóm đạo Vĩnh
Hoà cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây nhờ phát huy được các ngành nghề
truyền thống, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo thậm chí làm giàu.
Như anh Lê Đình Chỉnh nhờ nghề làm giò chả mà đã thành triệu phú.
Anh Chỉnh kể: Trong năm 2011 gia đình
tiêu thụ hết hơn 10 tấn giò bò, riêng dịp tết nguyên đán vừa qua tiêu
thụ hết 5 tấn giò, lãi ròng 150 triệu đồng. Bình quân thu nhập từ nghề
làm giò đạt 300 triệu đồng/năm, chủ yếu phục vụ khách hàng ở TP Vinh và
TP Hà Nội. Sở dĩ anh bán được khối lượng nhiều thế là nhờ làm giò có
chất lượng, uy tín. Ngay từ khâu nguyên liệu đã phải chú trọng, làm giò
ngon là phải chọn được loại thịt bắp bò săn chắc, kết hợp với thịt lợn
nái tươi ngon cùng với các loại gia vị tự nhiên để làm nên loại giò thơm
ngon đặc trưng. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, anh đầu tư mua 5 máy làm
lạnh để chứa giò đảm bảo chất lượng. Ngoài dò bò, gia đình anh còn làm
giò lụa, giò lợn... tiêu thụ trong nội huyện và TP Vinh.

Chị Lê Thị Sâm đang gói bánh chưng
Ngoài việc sản xuất giò, còn có hàng
chục hộ gia đình khác theo nghề làm bún, bánh đa, bánh ngọt, kẹo lạc
...phát huy hiệu quả. Như gia đình chị Phan Thị Xuân vừa làm bún, vừa
làm bánh ngọt chủ yếu bán ở thị trường nội huyện đạt thu nhập 4-6 triệu
đồng/tháng. Chị còn tận dụng được phụ phẩm từ chế biến bún bánh để nuôi
lợn, đến nay chị đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá trên 250
triệu đồng.
Vĩnh Hòa còn có nghề truyền thống gói
bánh chưng. Các cụ cao niên trong làng cho biết, từ những năm 1950, Vĩnh
Hòa có quán bánh chưng của bà Hiền ở đầu làng ngon nổi tiếng vùng
Diễn-Yên –Quỳnh. Khách qua đường đều ghé vào quán bà để thưởng thức
hương vị bánh chưng xanh. Sau đó nhiều người làng Vĩnh Hoà gói bánh
chưng xanh để bán rồi không biết từ bao giờ nghề này đã lan truyền ra cả
làng và trở nên nức tiếng khắp nơi. Bánh chưng xanh Vĩnh Hoà còn len
lỏi theo những chuyến xe thồ vượt núi rừng hiểm trở phục vụ bánh tết cho
các chiến sĩ thời chống Mỹ.
Chiều muộn, chúng tôi đi dọc vào làng
Vĩnh Hoà thấy bếp nhà nào cũng rực lửa nấu bánh chưng xanh. Người làng
ai cũng biết gói bánh chưng, ông bà gói bánh chưng, cháu đứng xem, nghề
ngấm vào máu thịt lúc nào chẳng hay. Nhiều cụ ông, cụ bà tuổi thất thập
cổ lai hi nhưng tay vẫn thoăn thoắt gói bánh như thời trai trẻ. Chúng
tôi vào thăm nhà Chị Lê Thị Sâm người đã có thâm niên trong nghề trên 20
năm đang gói bánh. Chẳng cần khuôn mẫu như một số nơi, chị thao tác xúc
gạo đổ vào lá dong, bỏ nhân bánh lia ngang lia dọc nhìn đến chóng cả
mặt, chỉ trong phút chốc là đã hình thành nên chiếc bánh chưng vuông vức
nom thật đẹp mắt. Theo chị, chiếc bánh ngon là khi bóc ra phải còn màu
xanh của lá, ăn vào thấy dẻo, có mùi đặc trưng thơm ngon. Bí quyết là
ngay từ khâu đầu tiên phải chọn loại gạo nếp ngon, hạt trắng đều, chỉ
xóc qua nước chứ không ngâm, khi vớt bánh sẽ chắc không ướt choẹt. Nếu
nấu bánh tét thì gói lá dong, nhân bánh chủ yếu thịt lợn nửa nạc nửa mỡ
cùng với gia vị, còn bánh chưng gói bằng lá chuối, nhân bánh ngoài thịt
lợn ướp các loại gia vị hành, tiêu …còn phải có bột đậu xanh. Nấu bánh
chưng khoảng từ 6-7 tiếng đồng hồ là vớt bánh. Những ngày bình thường
gia đình chị làm mỗi tháng 5-6 tạ gạo nếp, nếu vào mùa đám cưới nhiều
nơi đặt hàng thì phải tăng “sản lượng” lên 1-1,5 tấn gạo nếp/tháng. Tính
bình quân từ nghề làm bánh chưng cho thu nhập đạt hơn 6 triệu
đồng/tháng. Nhờ từ nghề này mà gia đình chị Sâm đã xây dựng được căn nhà
mới trị giá trên 400 triệu đồng với đầy đủ tiện nghi.
Ông Lưu Đức Bằng - X óm trưởng xóm Vĩnh
Hoà cho biết: Vĩnh Hoà có 270 hộ dân thì có hơn 100 hộ làm nghề bánh
chưng, còn lại là làm bún, bánh. Bánh chưng Vĩnh Hoà có được thương hiệu
trong lòng mọi người là nhờ bao đời này luôn giữ được uy tín, vừa thơm
ngon lại giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Bình quân mỗi tháng làng Vĩnh
Hòa tiêu thụ hết khoảng 4000 tấn gạo nếp.
Được biết, Vĩnh Hoà đã được công nhận
làng nghề từ năm 2005. Gần đây,địa phương được đầu tư xây nhà máy nước
để phục vụ làng nghề. Kinh tế phát triển, từ nguồn ngân sách và đóng góp
của nhân dân đã xây dựng được con đường bê tông dài 300 m vào làng trị
giá 150 triệu đồng, xây dựng mới Nhà văn hoá xóm kiêm nhà trưng bày sản
phẩm trị giá trên 400 triệu đồng. Sắp tới Vĩnh Hoà sẽ được Nhà nước hỗ
trợ xây dựng hệ thống mương tiêu thoát nước, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Văn Trường Nguồn: Báo Nghệ An (29/2/2012)
|