TÔN SƯ – TRỌNG ĐẠO VÀ TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC XƯA NAY, TRÊN VÙNG ĐẤT LÚA
Bàn về “Tôn sư trọng đạo” muôn đời không nói hết và không thể diễn tả hết được bằng ngôn ngữ. Bởi nó là dòng chảy chủ lực trong cuộc sống, một dòng chảy âm thầm bền bỉ, sâu lắng, nhạy cảm, đang sừng sững hiên ngang bên cạnh những dòng chảy chói chang khác là kinh tế, chính trị... là sợi chỉ đỏ trong triết lý sống khoa học xã hội, hệ thống đó luôn chứa đựng tinh hoa lòng người, đó là cái chói chang có sức lan tỏa, lan truyền trong lẽ sống của mỗi con người. Bởi nó là bản chất của cuộc đời, cuộc đời thế nào, thì “Tôn sư trọng đạo” thế ấy, như là hệ quả của thuyết luân hồi.
Nhìn lại ngày xưa, ngạn ngữ có câu: “Muốn sang phải bắc cầu kiều; Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Chính từ lẽ đó, mỗi gia đình dẫu nghèo khó, hay giàu sang đều canh cánh nuôi ý chí cho con ăn học. Việc học hành đã trở thành “Đạo” nên bất nhất không thể tách rời cuộc sống. Việc “Tôn sư trọng đạo” không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Truyền thống này có từ lâu đời khi có nhu cầu truyền dạy và học tập của con người. Đề cao vai trò, tầm quan trọng của người thầy, chúng ta còn biết đến những câu thành ngữ, tục ngữ, những câu nói dân gian như:
- "Không thầy, đố mày làm nên" nghĩa là: nếu không có người thầy dạy cho ta học và làm bất cứ sự việc gì thì ta không thể học và làm được điều đó.
- "Học thầy, không tầy học bạn" nghĩa là: nếu học thầy mà chưa hiểu hết, chưa nắm hết được kiến thức thì học ở bạn, lúc này bạn cũng là thầy của ta.
Dân gian ta có câu:
"Tam nhân đồng hành tất hữu vi sư" - Có nghĩa là: Ba người cùng đi trên một đường, tất sẽ có người là bậc thầy của ta.
Và nữa:
-"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư": Nghĩa là: người dạy cho ta một chữ thì cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy. Đây là cách nói cụ thể nhất của câu : "Tôn sư trọng đạo".
- Cho nên: "Trọng thầy mới được làm thầy" - nghĩa là: nếu không tôn trọng thầy và đạo học của thầy thì không thể làm thầy thiên hạ được. Vì muốn làm thầy thì trước hết phải làm học trò. Một người học trò khi trở thành bậc thầy thì đã có biết bao người thầy đã truyền thụ kiến thức về mọi mặt – tức là làm học trò của nhiều người thầy. thì sau mới có thể làm thầy giỏi được.
Từ những lẽ trên, cha ông ta đã đúc gọn trong câu: "Tôn sự trọng đạo" là chính xác, ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa về vai trò, tầm quan trọng của việc tôn trọng người thầy, tôn trong đạo học.
Huyện Yên Thành, một vùng đất nghèo khó từ xa xưa, với triết lý “Tôn sư trọng đạo” nên đã có nhiều người nổ lực hết mình trong học tập và đã thành danh. Chỉ tính riêng dưới các triều đại phong kiến đã có gần 20 vị đại khoa, trong đó có 4 Trạng nguyên, 3 Thám hoa, 2 Hoàng giáp, 5 Tiến sĩ, 4 Phó bảng. Trong bài viết này xin phép được nêu một số nhân vật tiêu biểu gắn với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”
1. Trạng nguyên Bạch Liêu, vị Trạng nguyên kỳ lạ trong lịch sử Việt Nam. "Ðại Việt sử ký toàn thư" chép vắn tắt: "Tháng ba năm Thiên Long thứ chín đời Trần Thánh Tông, khoa thi lấy Kinh Trạng nguyên Trần Cố, Trại trạng nguyên Bạch Liêu. Tư chất thông minh, trình độ học vấn như thế quả là xuất chúng. Bạch Liêu còn gọi là Bạch Đồng Liêu sinh ngày 15 tháng giêng năm Bính Thìn (1236) ở làng Thanh Đà, tổng Quỳ Trạch huyện Đông Thành (nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước, Cha làm nghề dạy học, bốc thuốc, là người “tích phúc truyền gia”, lấy nhân nghĩa làm gốc. Thủa nhỏ, Bạch Liêu nổi tiếng thần đồng: 6 tuổi biết đọc, 7 tuổi biết làm thơ, 8 tuổi làm được văn bài, 15 tuổi tiếng tăm vang lừng khắp quận huyện. Tương truyền “Ông có trí nhớ dai chẳng ai bằng, có cặp mắt lóng lánh, nhãn quan thần lực, đọc sách 10 dòng trong nháy mắt”. Trạng nguyên đệ nhất tam khôi
Nhất danh, nhất giáp, đầu ngôi bảng vàng
Mũ rồng áo tía vua ban
Lọng xanh đi trước, lọng vàng theo sau...
Ðó là cảnh Trạng Nguyên Bạch Liêu vinh quy về nhà, qua vè dân gian. Một số tư liệu cho biết: Bạch Liêu đậu Trạng nguyên nhưng xin không ra làm quan để ở nhà báo hiếu song thân, góp công sức xây dựng quê nhà, được vua chấp nhận. Ðủ thấy phẩm chất cao quý của ông, không màng công danh phú quý, chịu nghèo khó lo phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ quê hương.Trạng nguyên Bạch Liêu mất ngày 24 tháng giêng năm ất Mão (1315) thọ 79 tuổi.
2. Ba ông cháu Trạng Nguyên: Hồ Tông Thốc; Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành: Tài năng rạng danh đất học, trong gia đình có 3 cha con, ông cháu đều đỗ Trạng nguyên, được nhân dân Xứ Nghệ vẫn còn lưu truyền câu ca:
“Một nhà ba Trạng nguyên ngồi
Một gương từ mẫu mấy đời soi chung”.
Hay:
“Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa
Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”.
Gia đình họ Hồ ở làng Tam Thọ, xã Thọ Thành với 3 thế hệ đều đỗ Trạng nguyên, ghi danh bảng vàng là: Trạng nguyên Hồ Tông Thốc – cha, Hồ Tông Đốn – con, Hồ Tông Thành – cháu. Hiện tượng một nhà có 3 Trạng nguyên đó là hiện tượng duy nhất trong lịch sử Việt Nam.
3.Thám hoa Phan Thúc Trực. Ông được triều đình chọn vào học Trường Quốc Tử Giám để dự thi Hội. Khoa Đinh Mùi – Thiệu Trị 7 (1847), ông thi đậu Đệ nhất giáp cập đệ đệ tam danh (Đình nguyên, Thám hoa). Ngày vinh quy bái tổ, vua ban cho tấm biển “Khôi đa sỹ” (nghĩa là: Người đỗ đầu xuất sắc trên nhiều nho sỹ).
Cuộc đời của ông là tấm gương sáng không chỉ về học hành, đỗ đạt thành danh, mà còn ở lòng yêu nước thương dân, tận tuỵ với công việc. Ông luôn quan tâm đến giáo dục, từng đi dạy học ở nhiều nơi và chăm lo việc bồi dưỡng tinh thần cho thế hệ trẻ. Sau khi thi đỗ, ông về quê chỉ đạo việc khơi ngòi, đắp đập Cẩm Giang để lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng, phát triển nghề nông, giúp dân ổn định cuộc sống. Vì thế, sau khi ông mất, được dân địa phương lập đền thờ phụng là phúc thần. Ông được nhiều người ca ngợi về học hành và phẩm hạnh.
4. Thám hoa Phan Tất Thông, Ông sinh năm Nhâm Thìn (1532) lớn lên trong một gia đình nhà nho thanh liêm, nề nếp. Ngay từ nhỏ, bằng chí hướng và quyết tâm cao của chính bản thân mình, Phan Tất Thông rất chăm chỉ học tập dùi mài kinh sử. Ông đã học ở mọi nơi, ở nhà, ở trường, ở ngoài đồng ruộng. Phan Tất Thông thường đọc những câu thơ hay để động viên mọi người. Sau những giờ lao động, ông thường viết lại những câu những chữ khó đã học để tư duy trí nhớ. Bởi vậy nên ông học giỏi, ngày nay tại xã Hoa Thành còn lại tên những cánh đồng như: Cồn Nghiên, Cồn Tháp Bút, Đồng Quan Thám...Nơi đây nhằm ghi lại sự tích miệt mài chăm chỉ học tập của Phan Tất Thông.
Nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá: “Nghệ An là vùng đất xấu, dân nghèo, tập tục cần kiệm, nhà nông chăm chỉ ruộng nương, học trò chuộng học hành...Chắt lọc tiếp thu khí cốt của núi sông, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền.
Sự đóng góp của nhân tài xứ Nghệ cho sự bình yên, thịnh vượng của đất nước vô cùng lớn lao, bên cạnh những tên tuổi như: Nguyễn Xí, Nguyễn Vĩnh Lộc; Phan Công Tích; Nguyễn Cảnh Hoan...Chúng ta không thể không nhắc đến Phan Tất Thông, một danh nhân đương thời đã được lịch sử ghi nhận, nhân dân phụng thờ”.
Có được như vậy, Phan Tất Thông hun đúc từ dưỡng khí được sinh ra và lớn lên trong cái nôi gia đình nho học, thanh liêm, nề nếp, bởi vậy: Là người thông minh, chăm chỉ học hành dưới sự kèm cặp của người cha làm quan huấn đạo giàu lòng nhân ái, nên ý nguyện tiến thân trên con đường công danh của ông sớm được thực hiện. 18 tuổi đậu cử nhân, 23 tuổi đậu Nhất Giáp Chế Khoa.
Tài văn chương của Phan Tất Thông đã được hội đồng nho sỹ ca ngợi:
“ Mũ niệm áo xiêm cao hạng nhất
Bút tài, văn mạnh gọi làng nho”
Trên quê hương của ngài, ngày nay tại đình Bảo Lâm xã Hoa thành, huyện Yên Thành văn bia có ghi: “Lê triều chế khoa, Thám hoa Phan Quận công, hiệu định khê, thông minh, tuấn tú sự nghiệp công danh”.
5. Tiến Sỹ Trần Đình Phong... Làm quan – Dạy học
Sau khi đậu Tiến sỹ, việc làm quan với ông chỉ là điều bắt buộc, trong thâm tâm và sở thích ham muốn của ông là làm công việc giản dị hằng mong đó là dạy học. Mong mỏi góp sức mình vào việc giáo dục hậu thế. Chính vì vậy mà khi được bổ nhiệm làm quan, có lúc ông vẫn ngồi bày bảo cho môn sinh, hoặc cùng các bạn hữu, bàn luận văn chương, lãng quên trách nhiệm của mình ở chốn quan trường.
Ông được phong tước Hàn lâm sơ thụ, phụ trách biên tu lịch lý, rồi được bổ làm tri phủ Kiến An, kiêm lý cả huyện Bình Giang (Người đời lúc đó gọi cụ là lượng phủ tri phủ) . Nhân dân ở hai phủ này vẫn biết thiên chức của ông là một thầy đồ nho, hơn là vị tri phủ. Điều đó, cũng đủ bản chất nói lên phong cách bình dị và tính máu thịt quần chúng nhân dân trong con người có học và đạo đức thanh tao của ông. Trong thời gian làm tri phủ ở đây, Trần Đình Phong đã rất coi trọng việc học của nhân dân, do đó, dân trí trong vùng ông cai quản đã được nâng lên rõ nét...
Ngày nay trên tinh thần của đạo lý “Tôn sư trọng đạo” con em Yên Thành luôn lấy tiêu chí học tập nâng cao kiến thức phổ thông, rèn luyện kỷ năng, tiếp thu khoa học để tu thân lập nghiệp. Hàng năm cả huyện có trên 600 em thi đỗ vào các trường Đại học cao đẳng chất lượng trong nước. Cung cấp nhân tài vật lực và trở thành “Nguyên khí quốc gia”.
Về lĩnh vực xã hội, trong thời gian qua, Yên Thành đã có nhiều gương mặt nổi trội phát triển, do nổ lực học tập, rèn luyện với sự dạy giỗ của thầy mà nên: Đó là em: Ngọc Ánh ở xã Văn Thành, giải quán quân Sao Mai điểm hẹn 2018; Em Hà Quỳnh Như, Ở xã Phúc Thành, quán quân ngôi sao Việt nhí 2018; Phan Văn Đức ở xã Tăng Thành, cầu thủ bóng đá U23 xuất sắc, Quả bóng đồng 2018. và có rất nhiều người học trò đã và đang hiểu và thực hành câu thành ngữ và cũng đang bước trên con đường thành đạt trong cuộc sống...
Trên lĩnh vực khoa học và phát triển kinh tế khác, huyện nhà đang có hàng trăm cán bộ khoa học đã và đang phục vụ trong guồng máy quản lý và phát triển kinh tế nước nhà.
“Tôn sư trọng đạo” đã khẳng định được giá trị đúng đắn và sự tác động sâu sắc của câu thành ngữ đó, ngấm sâu vào chân lý cuộc sống, trở thành lẽ sống, để mỗi người định hướng chân lý trở thành người có ích trong xã hội. Trước mắt cứ xem, học hành chỉ là thời vụ, tài năng của con người là chu kỳ, ngàn năm lá rụng mới thành than, tỷ năm rong tảo chết đi thành dầu lửa, vậy nên, phải đến chục năm, hai chục năm mới thể có mùa vàng bội thu trong học tập. Để đạt được thành quả đó, bất cứ một ai không thể bình tâm ngồi chờ. Việc học và dạy học rất vất vả. Khổ sở mà lại say, nó trở thành nợ đời. Tin rằng với những người biết “Tôn sư trọng đạo” biết khổ luyện sẽ cập đến bến bờ, sẽ đạt được giấc mơ sự nghiệp cuộc đời.
Lê Xuân Nhương
Khối 2, TT Yên Thành
ĐT: 0912414145