Yên Thành có thêm 2 di tích lịch sử cấp tỉnh
Trong 2 ngày 25-26/2, UBND huyện Yên Thành phối hợp UBND xã Xuân Thành và xã Thọ Thành cùng con cháu dòng họ Phan Hoằng, dòng họ Nguyễn tộc Nam Sơn, long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Lịch sử cấp tỉnh lăng quận chúa và nhà thờ họ. Về dự có ông Bùi Công Vinh- Phó giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh, lãnh đạo huyện có đồng chí Trần Thị Bình- Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, đồng chí Thái Sơn - Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm chính trị huyện, đồng chí Hoàng Danh Truyền- PCT UBND huyện; lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm VH TT & Truyền thông huyện.
Các đại biểu về dự
Lăng Quận Chúa và nhà thờ họ Phan Hoằng, xã Xuân Thành là nơi thờ phụng tiên tổ và hậu duệ của dòng họ, trong đó có những người có công với dân, với nước, có những đóng góp trong lịch sử dân tộc như Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung, Thọ Lộc hầu Phan Hoằng Đào.
Bà Trịnh Thị Ngọc Dung (còn gọi là Ngọc Dong), là con gái của chúa Trịnh Tùng, bà là người thông minh, từ nhỏ đã được học hành đầy đủ lễ nghĩa phép tắc. Đến tuổi trưởng thành, bà Ngọc Dung được chúa Trịnh Tùng gả cho ông Phan Công Tích, người ở làng Hào Cường, xã Thái Xá, tổng Quan Trung, huyện Đông Thành (nay là làng Hào Kiệt, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành) – là vị tướng tài giỏi, công thần của nhà Lê Trung Hưng, có công phù tá vua Lê Trang Tông từ khi còn ở Ai Lao và có nhiều ảnh hưởng đối với chính quyền Lê Trịnh.
Sau khi kết hôn, bà Ngọc Dung đã về sinh sống tại làng Chân Cảm còn ông Phan Công Tích tiếp tục tham gia chiến trận để củng cố vương triều nhà Lê. Mặc dù ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến tranh nhưng với trí tuệ thông minh, có tầm nhìn xa trông rộng, bà đã tìm hiểu địa hình, thổ nhưỡng, xuất tiền của chiêu mộ nhân dân cùng chung tay để khai hoang trồng trọt, đào sông, đắp đập Quan Ràn và bờ Đập Quan dẫn nước từ sông Dinh qua làng Long Hồi về cồn Phú Vi (làng Chân Cảm) để tưới cho đồng ruộng, giúp người dân ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, diện tích sản xuất được mở rộng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Bà Ngọc Dung mất ngày 17 tháng 12, phần mộ an táng tại xứ Hậu Nương Đông, làng Chân Cảm (nay là xóm 5, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Để ghi nhớ công lao của bà, các triều đại phong kiến ban tặng nhiều sắc phong “Trung đẳng thần” và giao cho dân làng phụng sự. Hiện nay nhân dân trong vùng đã rước linh vị của bà về hợp tự tại đền Gám.
Ông Bùi Công Vinh- Phó giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh cho lãnh đạo huyện Yên Thành và dòng họ Phan Hoằng, xã Xuân Thành
Chắt ngoại của Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung là ông Phan Hoằng Đào, tự Xuân Sinh, sinh vào đầu thế kỷ XVII. Bằng uy tín cùng những nguồn lực vốn có, ông đã đứng lên kêu gọi nhân dân canh tác, giúp bà con trong vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ vậy cuộc sống nơi đây trở nên yên vui, những cánh đồng trồng lúa, trồng khoai ngày càng xanh tốt. Ông Phan Hoằng Đào không chỉ có công giúp đỡ, cải thiện đời sống của người dân mà còn có công giữ đất cho làng. Ông mất ngày 20 tháng 8, mộ táng tại xứ Nương Đông, được ban tước Thọ Lộc hầu và được triều đình phong kiến ban cấp sắc phong thần cho lập đền thờ tự.
Lễ rước Bằng về nhà thờ Phan Hoằng, xã Xuân Thành
Lăng Quận chúa và Nhà thờ họ Phan Hoằng là công trình kiến trúc tâm linh, nơi kết tinh nhiều giá trị quý báu về lịch sử, văn hóa. Đặc biệt tại di tích hiện đang lưu giữ được nhiều tài liệu quý, có giá trị như Mộc chủ, long ngài bài vị, gia phả... Di tích cũng là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi cố kết tình cảm bền chặt của con cháu trong dòng họ. Tại di tích, hàng năm diễn ra các hoạt động của hậu duệ hướng về tiên tổ, là dịp để con cháu gần xa hội tụ nhằm tri ân và gặp gỡ thắt chặt tình đoàn kết, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dòng họ.
Với những giá trị như trên của di tích, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 112/ QĐ-UBND ngày 12/1/2023 xếp hạng Lăng Quận chúa và Nhà thờ họ Phan Hoằng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là sự ghi nhớ, tôn vinh, tri ân các nhân vật thờ gắn với truyền thống văn hoá, lịch sử phát triển của dòng họ, của địa phương, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích.
Lễ dâng hương tại di tích lịch sử nhà thờ Phan Hoằng
Ông tổ của dòng họ Nguyễn tộc Nam Sơn làng Tam Đa, xã Thọ Thành là Nguyễn Tế Mỹ quê ở thôn Nghèn, xã Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có nhiều biến động, nên đã di cư đến thôn Trang Nam, thuộc tổng Quỳ Trạch, huyện Đông Thành để sinh cơ lập nghiệp, hình thành nên dòng họ Nguyễn tộc Nam Sơn.
Tiết mục văn nghệ chào mừng
Các đại biểu về dự Lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử nhà thờ Nguyễn tộc Nam Sơn, xã Thọ Thành
Song song với việc chiêu dân lập ấp, mở rộng xóm làng, ông còn đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất trên vùng đất mới như xây cầu, làm đường giao thông, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, giúp cho sự trao đổi mua bán giữa các làng, các vùng được thuận lợi hơn. Đồng thời ông còn mở lớp dạy học, góp phần mở mang dân trí cho con em trong vùng. Ông Nguyễn Tế Mỹ mất vào nửa đầu thế kỷ XVII, mộ táng tại xứ Cồn Chùa, làng Tam Thọ. Với những cống hiến to lớn đó, sau khi mất, ông cùng các ông tổ họ Chu, họ Lê, họ Nguyễn được nhân dân tôn làm phúc thần, thờ ở đình làng Tam Đa. Hiện nay, tại nhà thờ họ Nguyễn tộc Nam Sơn còn lưu giữ được 02 đạo sắc phong cho thần “Nam Sơn Diệu Linh” vào các năm Thành Thái thứ 15 (1903) và Khải Định thứ 24 (1924) với mỹ tự “Tú Nghi tôn thần” giao cho làng Tam Đa, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An phụng sự.
Ông Bùi Công Vinh- Phó giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh và ông Hoàng Danh Truyền – PCT UBND huyện trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh cho lãnh đạo địa phương và dòng họ Nguyễn tộc Nam Sơn, xã Thọ Thành.
Với hơn 400 năm phát triển, con cháu họ Nguyễn tộc Nam Sơn đang ra sức học tập, lao động sáng tạo và có nhiều cống hiến trên nhiều lĩnh vực … Họ đã và đang làm việc, đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước, góp phần phát huy tốt truyền thống vẻ vang của dòng họ.
Lễ rước Bằng và lễ dâng hương tại nhà thờ họ Nguyễn tộc Nam Sơn, xã Thọ Thành
Nhà thờ Nguyễn tộc Nam Sơn là công trình kiến trúc được xây dựng vào thời Nguyễn, gồm 03 tòa cổ kính, tại di tích vẫn còn bảo lưu được nhiều hiện vật có giá trị như long ngai, sắc phong, hương án, liên hoa, lư hương, biển rước… Đây sẽ là những tư liệu, hiện vật quý, có giá trị góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử phát triển của dòng họ, lịch sử địa phương.
Trung tâm VH TT & TT huyện Yên Thành