Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ
Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các địa phương đã tập trung nhiều thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trước yêu cầu tình hình mới, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộ một số bất cập: việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm vẫn còn, với thời hạn yêu cầu soạn thảo, ban hành trong thời gian ngắn; việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo đủ thời gian để thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định; việc tiếp thu và giải trình ý kiến thẩm định, ý kiến Thành viên Chính phủ chưa đầy đủ, rõ ràng, có trường hợp không tiếp thu, cũng không giải trình rõ lý do; một số cơ quan chưa chủ động thực hiện việc lập đề nghị xây dựng, soạn thảo văn bản, cùng với yêu cầu về thời hạn nên đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc dùng hình thức văn bản khác không đúng quy định để thay thế cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến pháp luật chậm được thực hiện và hiệu quả thấp.
Ở một số địa phương còn chưa xác định rõ các văn bản phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách; cơ quan chuyên môn chưa chủ động trong việc đề xuất xây dựng, soạn thảo văn bản, chất lượng văn bản chưa cao, việc tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan thẩm định, thẩm tra còn nhiều hạn chế; tiến độ ban hành văn bản còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết các văn bản quy phạm pháp luật cấp trên.
Tăng cường đề xuất một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết
Nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện tốt các nội dung.
Cụ thể, trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện các tồn tại, khó khăn. Từ đó, có các giải pháp, biện pháp phù hợp để đẩy mạnh, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo về xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật ở bộ, ngành, địa phương mình.
Chỉ đạo các cơ quan chủ động nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Điều ước quốc tế và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Khi tham mưu, đề xuất việc ban hành văn bản phải đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật; hồ sơ đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo đầy đủ các tài liệu theo quy định và đảm bảo chất lượng của từng tài liệu. Không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật.
Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản và các tổ chức, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn bằng các hình thức phù hợp. Nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan Tư pháp, ý kiến của Thành viên Chính phủ, Thành viên Ủy ban nhân dân đối với các đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản, trường hợp không tiếp thu phải có báo cáo giải trình đầy đủ; tăng cường phản biện xã hội, truyền thông đối với các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.
Rà soát đầy đủ, tăng cường đề xuất một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm hạn chế xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi trong quá trình triến khai thực hiện.
Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật
Trong công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực do bộ, ngành, địa phương quản lý để xem xét sự phù hợp với hệ thống pháp luật và đòi hỏi của thực tiễn; xác định rõ khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật hay từ khâu tổ chức thi hành, từ đó xác định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản.
Tăng cường kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành có nội dung thuộc các lĩnh vực do bộ, cơ quan mình quản lý, kịp thời phát hiện các nội dung trái pháp luật và kiến nghị biện pháp xử lý.
Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.
Nghiên cứu, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người dân doanh nghiệp.
Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi "tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi "tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:
Chủ động báo cáo, xin ý kiến của các cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định tại các văn bản của Đảng về những chính sách quan trọng, những định hướng lớn trong dự án, dự thảo văn bản.
Nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật thông qua việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh nhằm cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, làm sai lệch chủ trương chính sách, nội dung văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.
Ưu tiên, bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Làm rõ trách nhiệm trong việc xử lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP, trong đó làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc xử lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các đề án, tài liệu, báo cáo, văn bản đề xuất khác trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phân cấp, phân quyền phù hợp; có biện pháp xử lý đối với các trường hợp không tuân thủ nghiêm quy định của Quy chế để bảo đảm tiến độ ban hành văn bản.
Tăng cường kiểm tra hồ sơ, tài liệu dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục trình, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Tham mưu, giúp Chính phủ trong việc chuẩn bị các Nghị quyết của Chính phủ chỉ đạo về chính sách trong các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại các phiên họp theo hướng chỉ đạo rõ về các chính sách, các nội dung phải chỉnh lý, tiếp thu để các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện.
Hạn chế việc lùi, rút trình các dự án luật, pháp lệnh
Bộ trưởng Bộ Tư pháp tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giải đáp các vướng mẳc liên quan đến việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế.
Nâng cao chất lượng công tác tham mưu lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, cương quyết không đưa vào Chương trình những dự án, dự thảo không đầy đủ hồ sơ, tài liệu hoặc không đảm bảo chất lượng; hạn chế việc lùi, rút trình các dự án luật, pháp lệnh; kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các trường hợp không bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Phối hợp với cơ quan được giao chủ trì nghiên cứu để đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tập trung nguồn lực để bảo đảm tiến độ, chất lượng và quy trình thẩm định; ý kiến thẩm định phải rõ, cụ thể, phải khẳng định dự án, dự thảo đủ điều kiện hay không đủ điều kiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm gắn kết công tác xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật.
Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp dưới thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời đề xuất, soạn thảo, trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương mình.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng ưu tiên, bố trí đầy đủ các nguồn lực về kinh phí và biên chế được phân bổ cho địa phương để đảm bảo, nâng cao chất lượng cho công tác xây dựng thể chế và theo dõi thi hành pháp luật.
Áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14/8/2023 về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.
Danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử bao gồm:
Danh sách cửa khẩu đường hàng không
1- Cửa khẩu Cảng hàng không Nội Bài;
2- Cửa khẩu Cảng hàng không Tân Sơn Nhất;
3- Cửa khẩu Cảng hàng không Cam Ranh;
4- Cửa khẩu Cảng hàng không Đà Nẵng;
5- Cửa khẩu Cảng hàng không Cát Bi;
6- Cửa khẩu Cảng hàng không Cần Thơ;
7- Cửa khẩu Cảng hàng không Phú Quốc;
8- Cửa khẩu Cảng hàng không Phú Bài;
9- Cửa khẩu Cảng hàng không Vân Đồn;
10- Cửa khẩu Cảng hàng không Thọ Xuân;
11- Cửa khẩu Cảng hàng không Đồng Hới.
12 - Cửa khẩu Cảng hàng không Phù Cát;
13 - Cửa khẩu Cảng hàng không Liên Khương.
Danh sách cửa khẩu đường bộ
1- Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên;
2- Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh;
3- Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn;
4- Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai;
5- Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa;
6- Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An;
7- Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh;
8- Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình;
9- Cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị;
10- Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị;
11- Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum;
12- Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh;
13- Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, tỉnh Tây Ninh;
14- Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, tỉnh An Giang;
15- Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương, tỉnh An Giang.
16- Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Danh sách cửa khẩu đường biển
1- Cửa khẩu Cảng Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh;
2- Cửa khẩu Cảng Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh;
3- Cửa khẩu Cảng Hải Phòng, thành phố Hải Phòng.
4- Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa;
5- Cửa khẩu Cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh;
6- Cửa khẩu Cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế;
7- Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng;
8- Cửa khẩu Cảng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;
9- Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định;
10- Cửa khẩu Cảng Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi;
11- Cửa khẩu Cảng Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
12- Cửa khẩu Cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh;
13- Cửa khẩu Cảng Dương Đông, tỉnh Kiên Giang.
Chính phủ giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp cần thiết bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong quá trình triển khai Nghị quyết.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, thay thế Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 25/5/2020 và Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 27/4/2022.
Sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 của Chính phủ về miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thuỵ Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hoà Phần Lan và Cộng hoà Belarus
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14/8/2023 sửa đổi Điều 1 Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 như sau:
Miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thuỵ Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hoà Phần Lan và Cộng hoà Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, so với Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 thì thời hạn tạm trú đối với công dân các nước trên sẽ được nâng từ 15 ngày lên 45 ngày.
Nghị quyết số 128/NQ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 949/QĐ-TTg ngày 14/8/2023 thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP (Hội đồng).
Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo UBND các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước.
Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng thực hiện theo quy định tại các Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Hội đồng tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ.
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 14/8/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất.
Tại Thông báo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận: Định giá đất là vấn đề hết sức quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai; những vướng mắc trong công tác xác định giá đất đã ảnh hưởng đến huy động các nguồn lực từ đất đai trong thời gian qua. Nguyên nhân của chủ yếu của những tồn tại đã được xác định trong quá trình tổng kết thi hành Luật đất đai, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất là do nội dung, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất có điểm chưa phù hợp; chưa thiết lập được cơ sở dữ liệu về giá đất thị trường, thông tin, số liệu đầu vào chưa đủ độ tin cậy dẫn đến có trường hợp một thửa đất áp dụng các phương pháp khác nhau cho các kết quả khác nhau.
Hoàn thiện các quy định kỹ thuật của từng phương pháp định giá đất
Việc sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất cần dựa trên phương pháp luận đúng đắn, cơ sở khoa học, kinh nghiệm của các nước trên thế giới và điều kiện thực tiễn hiện nay của Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các Hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia, rà soát hoàn thiện các quy định, trong đó:
- Hoàn thiện các quy định kỹ thuật của từng phương pháp định giá đất; đối tượng, điều kiện, tiêu chí áp dụng đảm bảo dễ thực thi, tránh việc tùy tiện trong lựa chọn phương pháp; nghiên cứu có quy định về các trường hợp cần áp dụng phương pháp kiểm chứng.
- Quy định về trình tự thủ tục, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm khâu trung gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đi đôi với tăng cường trách nhiệm của từng cấp, từng ngành (tổ chức tư vấn định giá đất, hội đồng định giá,…) và kiểm tra, giám sát của cấp trên phù hợp với các nguyên tắc, yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
- Bổ sung các quy định về thu thập thông tin, dữ liệu, nguồn thông tin (dữ liệu giá đấu giá, dữ liệu giao dịch từ cơ quan thuế,…), trách nhiệm cung cấp thông tin, tiếp cận thông tin của tổ chức tư vấn định giá đất để bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch, có các cơ sở pháp lý làm cơ sở áp dụng phương pháp định giá phù hợp, giảm thiểu sự phụ thuộc vào ý chí chủ quan.
- Hoàn thiện các quy định chuyển tiếp đảm bảo theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật, khả thi, phù hợp với yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, hài hòa giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Đăng tải dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất trên Cổng TTĐT Chính phủ
Phó Thủ tướng khẳng định: Giá đất là chính sách lớn có tính chất then chốt trong chính sách đất đai, nên việc sửa đổi theo quy trình rút gọn thực thiện trong trường hợp sửa đổi các vấn đề kỹ thuật. Những nội dung sửa đổi trong dự thảo Nghị định có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, tổ chức, các chuyên gia tại cuộc họp hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định về giá đất; khẩn trương lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham vấn các đối tượng chịu tác động để hoàn thiện trình Chính phủ trước ngày 25/8/2023.
Giải thể Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (Lạng Sơn)
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 14/8/2023 giải thể Trạm Kiểm soát liên hợp chống buôn lậu và gian lận thương mại Dốc Quýt - Lạng Sơn (được thành lập theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 19/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ).
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn tiến hành thủ tục giải thể Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt - Lạng Sơn theo đề án được phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Tài chính) về kết quả thực hiện theo đúng quy định; có biện pháp chỉ đạo kịp thời triển khai phương án đấu tranh ngăn chặn, kiểm soát, chặt chẽ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn, không để xảy ra tình hình phức tạp và bảo đảm không thất thoát vốn, tài sản nhà nước sau khi giải thể Trạm Kiểm soát liên hợp./.
Nguồn: chinhphu.vn