ĐĂNG NHẬP  
image banner
Cần thiết xây dựng Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở với mục đích hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định pháp luật đối với lĩnh vực thông tin cơ sở để khẳng định và phát huy vai trò, thế mạnh của toàn bộ hệ thống.

Hệ thống thông tin cơ sở đặc biệt phát huy hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp (mưa bão, lũ lụt, cháy nổ, dịch bệnh...) và trong các chiến dịch truyền thông phục vụ nhiệm vụ chính trị (tuyên truyền về Đại hội Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp...)

Bộ TT&TT cho biết, tính đến ngày 01/6/2023, cả nước có 9.959 đài truyền thanh cấp xã/10.598 xã, phường, thị trấn, với trên 13.000 nhân sự kiêm nhiệm hoặc hoạt động không chuyên trách; 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện/705 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, với trên 7.000 nhân sự; hơn 6.500 trang thông tin điện tử (bản tin điện tử) của Ủy ban nhân dân cấp xã; hơn 1.100 bảng tin điện tử công cộng của Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; hơn 200.000 tuyên truyền viên cơ sở.

So với các loại hình truyền thông khác như báo chí in, báo chí điện tử, phát thanh, truyền hình..., hệ thống thông tin cơ sở đang có số lượng đối tượng quản lý và lực lượng nhân sự làm công tác tuyên truyền đông gấp rất nhiều lần.

Hệ thống thông tin cơ sở có vai trò là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp với người dân ở cơ sở, cung cấp thông tin thiết yếu sát với nhu cầu của nhóm nhỏ người dân (khác với thông tin báo chí); với khả năng cung cấp thông tin tức thời; là phương tiện phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Hệ thống thông tin cơ sở đặc biệt phát huy hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp (mưa bão, lũ lụt, cháy nổ, dịch bệnh...) và trong các chiến dịch truyền thông phục vụ nhiệm vụ chính trị (tuyên truyền về Đại hội Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia). 

Bộ TT&TT cũng cho biết, Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở hiện là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất điều chỉnh trực tiếp hoạt động thông tin cơ sở. Bộ TT&TT đã tổng kết việc thực hiện Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg và nhận thấy một số hạn chế của Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg, đó là:

Hiệu lực pháp lý thấp, do đó không quy định được các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, không xác lập vị trí, tính chính danh của các đối tượng thuộc lĩnh vực thông tin cơ sở như: Chức năng, nhiệm vụ (làm gì, làm như thế nào?); Nhân sự làm công tác thông tin cơ sở (chức danh, điều kiện, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ...).

Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg không bao quát, điều chỉnh hết các lĩnh vực hiện có của hệ thống thông tin cơ sở đó là hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện. Với 666 đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện hoạt động truyền thanh - truyền hình ở cấp huyện, với trên 7.000 nhân sự thực hiện cung cấp thông tin thiết yếu tới người dân. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống này đang hoạt động mà không có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh. 

Việc xây dựng Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập trong hoạt động thông tin cơ sở. Theo đó, xác định mô hình hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, chức danh và tiêu chuẩn của các chức danh, chế độ của các chức danh thực hiện các hoạt động thông tin cơ sở không thể quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định pháp luật lĩnh vực thông tin cơ sở

Bộ TT&TT cho biết, việc áp dụng quy định tại khoản 2, Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đề nghị xây dựng Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở là bởi các lý do sau:

Thứ nhất, các loại hình hoạt động thông tin cơ sở gồm đài truyền thanh cấp xã, bảng tin công cộng, tuyên truyền viên cơ sở và cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện hiện đang tồn tại và đang thực hiện một cách có hiệu quả các hoạt động cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân ở cơ sở, đồng thời là kênh thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền cơ sở nhanh chóng, chính xác. 

Tuy nhiên, địa vị pháp lý của các loại hình thông tin cơ sở nêu trên rất yếu (chỉ được quy định tại Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV) và thiếu một số nội dung liên quan đến mô hình hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, chức danh, điều kiện, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ... của các đối tượng tham gia thực hiện các hoạt động thông tin cơ sở. Việc ban hành các quy định nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Thứ hai, hiện nay, Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương đang huy động một phần năng lực của hệ thống truyền tải thông tin hiện có trong các lĩnh vực: báo chí - sử dụng bản tin (của cấp huyện, cấp xã); xuất bản - sử dụng tài liệu không kinh doanh (sử dụng áp phích, tờ rời, tờ gấp); mạng viễn thông - sử dụng tin nhắn; mạng xã hội - sử dụng chức năng cung cấp, chia sẻ và trao đổi các nội dung thông tin để đáp ứng yêu cầu cung cấp nội dung thông tin thiết yếu của thông tin cơ sở đến người dân.

Các quy định về hoạt động của bản tin, tài liệu không kinh doanh, tin nhắn viễn thông, mạng xã hội đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Viễn thông, các Nghị định quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (Nghị định 72/2013/NĐ-CP), về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng (Nghị định 42/2022/NĐ-CP).

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở chỉ quy định rõ hơn về cách thức huy động, phạm vi huy động phương tiện truyền thông hiện có nêu trên trong phạm vi hẹp hơn, phục vụ cho việc cung cấp thông tin thiếu yếu ở cơ sở; quy định việc phối hợp, cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc sử dụng các loại hình thông tin cơ sở nêu trên.

Mục đích xây dựng Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở nhằm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định pháp luật đối với lĩnh vực thông tin cơ sở để khẳng định và phát huy vai trò, thế mạnh của toàn bộ hệ thống.

Đồng thời, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin cơ sở, để thông tin cơ sở thực sự là kênh thông tin, tuyên truyền thiết yếu, phát huy sức mạnh ở cơ sở.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Đức- Nguồn chinhphu.vn

BẢN ĐỒ HUYỆN YÊN THÀNH
image

Tin tức
  • LÃNH ĐẠO HUYỆN YÊN THÀNH DỰ TỌA ĐÀM KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 Ở MỘT SỐ TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
1