Phan Đăng Lưu sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm1902 trong một gia đình nhà nho ở xã Tràng Thành (nay là Hoa Thành), huyện YênThành, Nghệ An. Là một người yêu nước có chíkhí, có bản lĩnh, Phan Đăng Lưu tham gia cách mạng từ khi còn đi học và đã trởthành biểu tượng và niềm tự hào của một vùng quê giàu truyền thống yêu nước,cách mạng và nhân văn. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của ông không chỉ sángngời trong sử sách mà còn gắn bó với nhiều địa phương trên đất nước ta.
Từ nhỏ, anh đã chịu ảnh hưởng truyền thống yêu nước của gia đình và quê hương.
Năm lên sáu, Phan Đăng Lưu bắt đầu học chữ Hán. Anh ham học và tiếp thu nhanh, đến năm mười sáu tuổi đã đủ sức thi hương.
Sau kỳ thi, thấy lối học khoa cử đang tàn tạ, Phan Đăng Lưu quyết định tìm một nền học vấn tiên tiến, nhằm thâu thái những kiến thức mới mẻ hơn. Anh đã vận động gia đình cho vào học trường Pháp Việt ở Vinh. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, anh thi đỗ tiêu học.
Trong thời kỳ này, ý thức chống đối chế độ thực dân phong kiến ở anh đã phát triển thành những hành động đầu tiên. Khi tên tổng đốc Nghệ An được thăng chức, mở tiệc mừng, Phan Đăng Lưu bí mật dán trước cổng dinh của hắn đôi câu đối đả kích bọn quan lại.
Anh dùng những ngày nghỉ hè ở quê hương để gần gũi bà con, anh đã làm một bài vạch mặt bọn cường hào, trong đó có câu:
Sâu mọt lũ kia chưa quét sạch,
Xóm làng khôn hưởng cảnh bình yên.
Học trung học ở Huế sắp tốt nghiệp, anh bỏ thi và xin vào trường Canh nông. Anh nghĩ là cần phải biết một nghề thiết thực để góp phần làm cho nước giàu dân mạnh; nước ta là nước nông nghiệp nghèo nàn không gì tốt hơn là đưa đến cho dân những phương pháp trồng trọt, chăn nuôi tiến bộ.
Trong hai năm ở trường Canh nông, ngoài bài vở của nhà trường, anh tìm tòi nghiên cứu thêm các tài liệu khác và thỉnh thoảng lại viết thư về nhà, giới thiệu những điều có thể áp dụng được ở địa phương, nói đến những ước vọng mai sau.
Sau thời gian ngắn đi làm tại sở thí nghiệm nuôi tằm ở Thanh Ba (Vĩnh Phú) anh thấy rõ là một công chức của Pháp dù là nhà chuyên môn cũng không thể làm được gì ích nước lợi dân. Chán ngấy công việc, anh chỉ ham đọc sách báo, và học theo lối gửi thư qua Pháp, anh nghiên cứu cả lịch sử, chính trị, khoa học... Đây là điểm nổi bật trong suốt thời trẻ của anh: học tập không ngừng, tích lũy tri thức để có thể phục vụ nhân dân được nhiều nhất.
Cuối năm 1925, sau khi xin đổi về Diễn Châu, và từ Diễn Châu về Vinh, anh đã đến nơi có điều kiện tiếp xúc với những tư tưởng mới. Anh được gặp những người
yêu nước như Trần Phú, Trần Văn Tăng... và được đọc báo “Người cùng khổ” và tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Được giác ngộ chính trị, anh gia nhập phục Việt , tổ chức cách mạng phát triển ở Thanh - Nghệ - Tĩnh lúc bây giờ.
Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu – xã Hoa Thành, Yên Thành ( Ảnh : Đài Yên Thành)
Những năm 1925-1926, cụ Phan Bội Châu bị bắt, cụ Phan Chu Trinh từ trần, một phong trào yêu nước dấy lên rộng rãi trong nhân dân, nhất là trong thanh niên học sinh, Phan Đăng Lưu đã tham gia đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, và cùng một số anh em tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh.
Để nâng cao trình độ chính trị, văn hóa cho công nhân, nông dân trong vùng, anh được phân công cùng một số giáo viên trường Quốc học mở lớp ban đêm ở nhà máy Trường Thi, trường Cao Xuân Dục, trường Nguyễn Trường Tộ, trụ sở hội Quảng Tri. Phan Đăng Lưu không ngừng nâng cao trình độ chính trị của chính mình để dạy thật tốt, bất cứ lúc nào cũng thấy anh đọc hoặc viết. Khi thì soạn bài giảng, khi ghi chép những điều đã học. Những lúc đi chơi giải trí cũng là thời gian để anh gần gũi học hỏi quần chúng, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng nhân dân.
Thực dân Pháp hết sức chú ý đến hoạt động đó. Chúng đổi Phan Đăng Lưu đi nhiều nơi nhưng vẫn không “trị" được anh. Chúng đưa anh từ Vinh đi Linh cảm (Hà Tĩnh), rồi Phú Phong (Bình Định), đến Đà Lạt, Di Linh. Nhưng ở đâu anh cũng không hề tỏ ra sợ hài và còn chống đối chúng. Vì thế, anh bị cách chức. Anh thản nhiên xách hành lý về quê. Bước ngoặt quan trọng đời anh bắt đầu: bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Năm ấy là 1927, anh hai mươi lăm tuổi.
Về quê nhà, đồng chí Phan Đăng Lưu tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng, chọn một số người giác ngộ nhất, góp phần xây dựng Hội Phục Việt (sau đổi là Hưng Nam) ở xã Tràng Thanh, ở các xã khác trong huyện và ở Diễn Châu. Để làm tài chính cho Hội, đồng thời tạo điều kiện tập hợp, giáo dục những người tốt, đồng chí lập ra một cơ sở dệt vải ở địa phương.
ít lâu sau, đồng chí Phan Đăng Lưu được điều động vào công tác ở Huế, giúp việc xuất bản sách báo. Đồng chí tham gia Ban biên tập Quan hải tùng thư, ra những cuốn sách nhỏ để tuyên truyền cách mạng. Đồng chí truyền thụ lại những hiểu biết của mình cho các bạn trẻ mà đồng chí tự đặt cho mình có trách nhiệm giúp đỡ, dìu dắt.
Tháng 7 năm 1928, tại Đại hội thành lập Tân Việt Cách mạng đảng, đồng chí Phan Đăng Lưu được bầu làm ủy viên Thường vụ Tổng bộ. Cuối năm, đồng chí nhận nhiệm vụ sang Quảng Châu (Trung Quốc) gặp Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để bàn việc thống nhất hoạt động và nghiên cứu thêm về phong trào cách mạng của nước bạn.
Bí mật đi trên một tàu buôn, khôn khéo tránh khỏi con mắt của mật thám, đồng chí Phan Đăng Lưu đến được Quảng Châu. Lúc ấy là sau cuộc chính biến phản cách mạng của Tưởng Giới Thạch, các cán bộ lãnh đạo Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên hoặc bị bọn phản động bắt giam, hoặc đã dời đi nơi khác, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sang Liên Xô.
Đồng chí Phan Đăng Lưu không gặp được Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Nhưng báo chí và những điều mắt thấy, tai nghe trong chuyến đi này đã giúp đồng chí hiểu biết thêm nhiều điều bổ ích về nước Nga Xô Viết và cách mạng Trung Quốc.
Tháng 5 nám 1929, đồng chí Phan Đăng Lưu trở về nước báo cáo kết quả chuyến đi với Tổng bộ Tân Việt Cách mạng Đảng, đồng chí nhấn mạnh đến tình hình thuận lợi của phong trào cách mạng trong nước và đề đạt ý kiến của mình về tổ chức Đảng Cộng sản.
Mấy tháng sau, Tổng bộ lại phân công đồng chí đi Quảng Châu một chuyến nữa, với mục đích đặt một cơ quan liên lạc của Đảng Tân Việt ở nước ngoài. Tháng 9 năm 1929, ra đến Hải Phòng thì đồng chí bị địch bắt.
Đồng chí Phan Đăng Lưu bị giải về Vinh và bị chính phủ Nam Triều kết án 7 năm tù khổ sai.
Ngay sau khi bị bắt giam ít ngày tại nhà lao Vinh đồng chí Phan Đăng Lưu đã cùng anh em tuyệt thực chống chế độ nhà tù, đòi bọn giám ngục: không ăn bớt cơm tù; không bắt ăn những thức ăn thiu thối; không lấy đồ đạc của người nhà gửi vào cho; phải cho người vào thăm; phải cho tắm rửa, đọc sách báo, v.v...
Sau 5 ngày đấu tranh kiên quyết, giám ngục phải chấp nhận mọi yêu sách.
Đầu năm 1930, đồng chí Phan Đăng Lưu cùng một số anh em bị đày đi Ban Mê Thuột. ở đây, chúng áp dụng chính sách chia rẽ dân tộc, dùng toàn người Ê-đê làm lính gác ngục. Đồng chí gần gũi tìm hiểu số lính người Thượng và dần dần nói với họ về đất nước Việt Nam, về người Việt Nam và những người tù chính trị. Đồng chí Phan Đăng Lưu còn vận động anh em tù chính trị học tiếng Ê-đê và chủ trương ra một tờ báo lấy tên là Doãn Sê tù báo (Doãn tiếng Ê-đê nghĩa là Việt). Một số người Ê-đê được đồng chí Phan Đăng Lưu vận động, đã tham gia mục dạy tiếng Ê-đê trên báo.
Chế độ nhà tù Ban Mê Thuột rất khắc nghiệt, không kém bất cứ một nhà tù nào của thực dân Pháp. Người tù phải làm việc nhiều, ăn thiếu và bị đánh đập tàn nhẫn. Hầu hết anh em đều ốm yếu, ghẻ lở. Nhiều người mắc bệnh kiết lỵ nặng vẫn phải đi làm đường số 14 và bị đánh chết (anh em đã gọi con đường số 14 là "con đường máu").
Đồng chí Phan Đăng Lưu vì biết nghề canh nông, bị giám ngục bắt làm vườn cho công xứ tỉnh. Đó là một công việc nhàn hơn đi làm đường, đi rừng đốn gỗ. Nhưng đồng chí Phan Đăng Lưu không chăm sóc, mà còn vặt hoa quả trong vườn, mang về cho anh em có thêm chất tươi. Tên công xứ thấy vậy, đã trả đồng chí về nhà giam, bắt làm những việc nặng nhọc như những người khác.
Để chống chế độ lao tù tàn bạo, anh em tù chính trị tổ chức tuyệt thực và bãi công, phản đối đánh đập, đòi được ăn uống sạch sẽ, đòi thuốc men, v.v...
Bọn giám ngục liền cùm tất cả anh em tù chính trị lại. Anh em vẫn tiếp tục tuyệt thực và bàn cách báo tin cho bên ngoài biết để ủng hộ cuộc đấu tranh.
Tin hàng trăm tù chính trị nhịn ăn đã nhiều ngày tại nhà lao Ban Mê Thuột đăng trên báo làm dư luận xôn xao; kẻ địch bối rối. Đến ngày thứ chín, chúng phải cho bác sĩ vào thăm. Đồng chí Phan Đăng Lưu cùng một số anh em đứng ra đưa một bản yêu sách và lên án chế độ nhà tù. Hôm sau, tên công sứ phải chấp nhận mọi yêu sách, không đánh đập anh em tù chính trị, phải để cho anh em xem sách báo, nhận tiền, nhận quà của người nhà gửi vào. Cuộc đấu tranh kết thúc thắng lợi.
Ngay trong những ngày gian khổ này, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn tìm cách tự học và đem những điều học được truyền lại cho anh em.
Năm 1933, nhân một đồng chí hết hạn tù, đồng chí Phan Đăng Lưu viết một bài đả kích chế độ nhà tù nhờ gửi cho một tờ báo bên Pháp. Việc bị lộ, người sắp được ra bị giữ lại, đồng chí Phan Đăng Lưu bị địch nhốt vào xà lim và tăng án thêm năm năm.
Mùa hè năm 1936, chính phủ Mặt trận nhân dân lên cầm quyền ở Pháp. Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân ta và của anh em trong các nhà tù, bọn thống trị ở Đông Dương buộc phải trả lại tự do cho một số tù chính trị trong đó có đồng chí Phan Đăng Lưu. Chúng quản thúc chặt chẽ đồng chí ở Huế.
Thực dân Pháp và tay sai theo dõi ráo riết, nhưng đồng chí Phan Đăng Lưu đã mưu trí che mắt địch, tích cực tham gia hoạt động cách mạng và đã có nhiều cống hiến trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Đồng chí được bầu vào Xứ ủy Trung kỳ và sau đó là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác công khai ở Huế. Hoạt động của đồng chí gắn liền với phong trào Thừa Thiên - Huế và các tỉnh Trung kỳ, thể hiện được chủ trương của Đảng trong việc kết hợp những hoạt động hợp pháp với hoạt động không hợp pháp, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân, và phát triển tổ chức Đảng.
Đảng đã giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo các báo chí
của Đảng ở Trung kỳ và tủ sách Tư tưởng mới. Đồng chí thường nhắc nhở anh em: “Đấu tranh mặt trận tư tưởng là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng”. Đồng chí trực tiếp phụ trách một tờ báo, viết bài cho các báo khác, soạn sách, góp ý kiến cho các đồng chí viết.
Cuối năm 1936, khi phong trào Đông Dương đại hội do Đảng lãnh đạo lan rộng từ Nam ra Bắc, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử vào ủy ban lâm thời Trung kỳ. Những ủy ban hành động được thành lập ở nhiều nơi để tập hợp quần chúng và phát động đấu tranh. Đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo các cuộc bãi công của thợ in và thợ may ở Huế, của công nhân nhà máy điện An Cựu và lò vôi Long Thọ, đồng chí chỉ đạo phong trào đấu tranh của nông dân ở các huyện Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền. Cơ sở Đảng đã được tổ chức tại xưởng vôi Long Thọ, trường kỹ nghệ thực hành, nhà in báo Tiếng Dân và ở một số huyện.
Trong thời kỳ này, sôi nổi nhất là đợt huy động quần chúng đón Gô-đa, phái viên của chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp. Đây là dịp tốt để biểu dương lực lượng, động viên chính trị trong nhân dân. Đây cũng là dịp để vạch trần chế độ thực dân, phong kiến thối nát, đòi những cải cách dân chủ, những quyền lợi dân sinh. Đảng ta chủ trương đón tiếp Gô-đa với khí thê một cuộc đấu tranh quần chúng rộng rãi khắp ba kỳ.
Việc tổ chức đón Gô-đa ở Huế và đưa các yêu sách đòi cải cách dân chủ đã có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng.
Tháng 3 năm 1937, đồng chí Phan Đăng Lưu và xứ ủy Trung kỳ mở đại hội của những người làm báo phản đối việc đóng cửa báo, đòi tự do báo chí; Đại hội cùng phản đối việc trục xuất các nhà báo tiến bộ ra khỏi Nam kỳ.
Tiếp theo đó, là cuộc vận động bầu cử Viện dân biểu Trung kỳ. Chương trình đòi tự do dân chủ cải thiện dân sinh, mở rộng số cử tri và tăng thêm quyền hạn trong viện dân biểu được sự đồng tình của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân. Mặc dù cử tri bị hạn chế và địch gây khó khăn trong việc bầu cử nhiều ứng cử viên của Mặt trận dân chủ hoặc có cảm tình với Mặt trận đã trúng cử. Viện trưởng, viện phó đều là người của Mặt trận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhờ áp lực mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, các dân biểu của Viện đã bỏ phiếu bác bỏ dự án thuế thân của tòa khâm xứ Trung kỳ. Đấy là một thất bại lớn của "chính phủ bảo hộ" tại Viện dân biểu Trung kỳ năm 1938 và cũng là thắng lợi chưa từng có trong lịch sử đấu tranh hợp pháp ở địa phương lúc bấy giờ.
Tháng 11 năm 1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ sáu gồm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng và các đồng chí Lê Duẫn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần..., nhận định tình hình thế giới và trong nước, quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tập trung lực lượng vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc và thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Đồng chí Phan Đăng Lưu cùng một số đồng chí chỉ đạo việc thi hành Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ sáu tại Nam kỳ. Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương được thành lập.
Tượng đài đồng chí Phan Đăng Lưu tại Thị Trấn Yên Thành ( Ảnh : Đài Yên Thành)
Tháng 7 năm 1940, Xứ ủy Nam kỳ họp hội nghị mở rộng, Qua đề cương chuẩn bị khởi nghĩa do Ban Thường vụ Xứ ủy khởi thảo từ tháng 3. Đồng chí Phan Đăng Lưu thay mặt Trung ương Đảng dự hội nghị này.
Đồng chí đã nghe báo cáo tình hình mọi mặt, cho ý kiến và nhắc nhở: “Nguyên tắc khởi nghĩa là phải chuẩn bị đầy đủ, phải có quyết tâm cao; chúng ta không thể đùa với khởi nghĩa”.
Sau Hội nghị, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử ra Bắc để báo cáo và xin chỉ thị của Trung ương Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phan Đăng Lưu, v.v... đồng chí Phan Đăng Lưu đã báo cáo cặn kẽ việc khởi nghĩa Nam kỳ. Hội nghị Trung ương nhận định rằng điều kiện khách quan cũng như chủ quan chưa đủ để phát động khởi nghĩa trong cả nước, càng không thể khởi nghĩa ở Nam kỳ. Trung ương phái đồng chí trở vào ngay để hoãn cuộc khởi nghĩa.
Nhưng ý kiến của Trung ương về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ không kịp truyền đạt. Kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ. Tối 22 tháng 11 nám 1940, đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ và một số đồng chí khác bị địch bắt. Đồng chí Phan Đăng Lưu vừa vào đến Sài Gòn, cũng sa lưới của mật thám.
Kẻ địch đã dùng đủ mánh khóe xảo quyệt và thủ đoạn tàn bạo để bắt đồng chí Phan Đăng Lưu cung khai. Trước sau, đồng chí không hé ra một điều gì phương hại cho cách mạng.
Trong những ngày bị giam ở Khám Lớn, Sài Gòn, dù biết chắc chắn là mình sẽ bị tử hình, đồng chí vẫn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng và đã cùng một số đồng chí khác tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ để làm bài học cho Đảng. Đồng chí nói chuyện tình hình, ổn định tư tưởng, dạy văn hóa, dạy hát và quan tâm giúp đỡ anh em.
Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ địch tăng cường khủng bố, chém giết. Ngày 28 tháng 8 năm 1941, đồng chí Phan Đăng Lưu đã bị chúng đưa đi xử bắn cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai,v.v... tại Hóc Môn (Gia Định).
(Theo HOV và Báo Tuổi trẻ Hậu Giang)