ĐĂNG NHẬP  
image banner
Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 4/7

Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 4/7.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, hoàn thiện các quy hoạch để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 616/CĐ-TTg ngày 4/7/2023 về việc rà soát, hoàn thiện các quy hoạch để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công điện nêu rõ:

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 và Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị; trên cơ sở ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội tại cuộc họp ngày 3/7/2023 về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, để bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; đặc biệt là công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cần sớm hoàn thành để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030.

2. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo bổ sung vào quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung:

"Đến năm 2025: Thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030: Thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của ĐVHC thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC. Việc lập và thực hiện quy hoạch sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 ngoài tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số cần phải tính đến kết quả sắp xếp giai đoạn trước, ĐVHC ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các ĐVHC nông thôn đã được quy hoạch thành ĐVHC đô thị.

Phạm vi ranh giới cụ thể của từng ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thời kỳ quy hoạch tỉnh".

b) Chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc xây dựng Quy hoạch tổng thể ĐVHC các cấp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 liên quan đến địa phương mình.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung nội dung về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 trong quy hoạch tỉnh.

b) Tổ chức thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ khi quy hoạch tỉnh đã bổ sung nội dung về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030.

4. Bộ Nội vụ:

a) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tổng thể ĐVHC các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

b) Chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc bổ sung nội dung về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 trong quy hoạch tỉnh.

5. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương rà soát lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn để bảo đảm các quy hoạch này có phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

6. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để tháo gỡ, giải quyết, xử lý kịp thời.

Ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí

Chính phủ ban hành Nghị định 45/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, trong đó quy định về an toàn trong thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành công trình dầu khí.

Cụ thể, công trình dầu khí phải được thiết kế, chế tạo, xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được thừa nhận và áp dụng rộng rãi tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm các yêu cầu sau:

+ An toàn về công nghệ;

+ An toàn về xây dựng;

+ An toàn về phòng chống cháy nổ;

+ Vùng và hành lang an toàn;

+ Các quy định về bảo vệ môi trường;

+ Chịu được các tải trọng dự kiến trong quá trình vận hành và khi xảy ra sự cố;

+ Không tạo ra sự cố dây chuyền từ sự cố đơn lẻ.

 Việc thiết kế, chế tạo, xây dựng, chạy thử, nghiệm thu công trình dầu khí phải được kiểm tra, chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đảm bảo sự phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trước khi chạy thử, nhà thầu phải tiến hành các công việc kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm đối với từng hạng mục công trình và phải bảo đảm kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, công tác phòng cháy và chữa cháy đã sẵn sàng được triển khai theo quy định. Trong quá trình chạy thử, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp tăng cường nhằm sẵn sàng ứng cứu kịp thời và có hiệu quả các sự cố, tai nạn có thể xảy ra.

Công trình dầu khí chỉ được đưa vào vận hành sau khi kết quả kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm công trình và các nội dung an toàn đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

Công trình dầu khí phải được vận hành, bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa theo đúng quy định, phù hợp với các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng được phê duyệt. Nhà thầu phải dừng ngay các hoạt động nếu các hoạt động đó có thể gây nguy hiểm đối với con người, môi trường và công trình dầu khí mà không thể kiểm soát được.

Mọi rủi ro phải được xác định, phân tích, đánh giá 

Nghị định nêu rõ, nhà thầu phải bảo đảm mọi rủi ro phải được xác định, phân tích, đánh giá đối với tất cả công trình dầu khí, máy móc, thiết bị, hóa chất, vật liệu nguy hiểm. Kết quả của việc đánh giá rủi ro được sử dụng làm số liệu đầu vào để tổ chức thực hiện công tác ứng cứu khẩn cấp.

Công tác quản lý rủi ro bao gồm:

+ Đánh giá rủi ro định tính và định lượng đối với các giai đoạn của hoạt động dầu khí làm cơ sở để triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro và chứng minh các rủi ro nằm trong mức chấp nhận được theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Báo cáo đánh giá rủi ro phải được cập nhật định kỳ 05 năm một lần hoặc khi có hoán cải, thay đổi lớn về công nghệ vận hành và tổ chức, nhằm tạo cơ sở để đưa ra các quyết định liên quan đến an toàn trong hoạt động dầu khí;

+ Nhà thầu phải xác định các vị trí, các điều kiện cụ thể có rủi ro cao cần phải quan tâm về mặt an toàn khi tiến hành hoạt động để có các biện pháp giảm thiểu.

Phải xây dựng và duy trì hệ thống ứng cứu sự cố khẩn cấp

Nhà thầu phải xây dựng và duy trì hệ thống ứng cứu sự cố khẩn cấp để tiến hành có hiệu quả các hoạt động ứng cứu khi xảy ra các sự cố, tai nạn gây nguy hại cho người, môi trường hoặc tài sản. Tùy theo mức độ của sự cố, tai nạn mà nhà thầu phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Việc luyện tập và diễn tập xử lý các tình huống khẩn cấp tại các công trình dầu khí phải được tiến hành thường xuyên bảo đảm người lao động hiểu rõ và nắm vững các quy trình ứng cứu với các tình huống khẩn cấp cụ thể. Căn cứ kết quả đánh giá rủi ro để xác định hình thức và tần suất luyện tập. Kết quả luyện tập, diễn tập phải được đánh giá và ghi chép để hoàn thiện kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.

Những người lần đầu tiên đến công trình dầu khí phải được hướng dẫn chi tiết về tổ chức ứng cứu khẩn cấp, các trang thiết bị an toàn và các lối thoát nạn.

Thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 796/QĐ-TTg ngày 4/7/2023 thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Các Phó Trưởng ban gồm: Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Các ủy viên gồm các đồng chí sau: Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức tổng kết và xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; báo cáo đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trình Bộ Chính trị trước ngày 1/10/2023.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án tổng kết.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định thành lập Tổ Biên tập xây dựng Đề án, ban hành Kế hoạch tổng kết và Đề cương báo cáo bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ.

Bổ nhiệm Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế, thương mại quốc tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 4/7/2023 bổ nhiệm Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế.

Cụ thể, Thủ tướng bổ nhiệm ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm giữ chức Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, thay ông Trần Quốc Khánh đã nghỉ hưu theo chế độ.

5 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 792/QĐ-TTg ngày 4/7/2023 ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp.

Cụ thể, 5 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp bao gồm:

1- Trường Đại học Luật Hà Nội.

2- Nhà Xuất bản Tư pháp.

3- Trường Cao đẳng Luật miền Bắc.

4- Trường Cao đẳng Luật miền Trung.

5- Trường Cao đẳng Luật miền Nam.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành; thay thế Quyết định số 1902/QĐ-TTg ngày 29/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp.

Thi đua chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 611/TTg-QHĐP ngày 4/7/2023 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp, tạo điều kiện để tổ chức Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 -2029.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 là sự kiện chính trị quan trọng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tầng lớp nhân dân; góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo khí thế, xung lực mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, phát huy mạnh mẽ tính tự chủ, năng động, sáng tạo và tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, tại văn bản số 611/TTg-QHĐP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:

1- Tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức phong trào thi đua thiết thực, rộng khắp, lập thành tích chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và tinh thần của Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

2- Phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất theo thẩm quyền để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tốt Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, đúng tiến độ.

3- Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác thông tin đối ngoại; chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Phối hợp lựa chọn, giới thiệu nhân sự có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Chủ động phối hợp đón, tiếp khách quốc tế tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X bảo đảm trang trọng, hiệu quả.

4- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nước và thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị ở nước ta, về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, sức mạnh đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam./.

chinhphu.vn·

BẢN ĐỒ HUYỆN YÊN THÀNH
image

Tin tức
  • Thời sự truyền hình Yên Thành 21-3-2025
1