ĐĂNG NHẬP  
image banner
HUYỆN YÊN THÀNH TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THÁO GỠ KHÓ KHĂN, THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Chuyển đổi số(CĐS) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Trong đó thực hiện CĐS trong giải quyết thủ tục hành chính(TTHC) sẽ góp phần hiện đại hóa hành chính, thúc đẩy công tác cải cách TTHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính địa phương, giảm thời gian và chi phí từ ngân sách, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp. 

Xác định thực hiện CĐS trong giải quyết TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp đột phá trong việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù công cuộc chuyển đổi số nói chung, thực hiện CĐS trong giải quyết TTHC nói riêng vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc như: Một số đơn vị, người đứng đầu còn lúng túng trong việc chỉ đạo, điều hành quá trình thực hiện CĐS trong giải quyết TTHC; một số cán bộ ở các đơn vị năng lực còn hạn chế, việc áp dụng kỹ năng số và ứng dụng công nghệ thông tin(CNTT) vào quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng CNTT, hạ tầng số ở một số địa phương còn chưa đáp ứng được nhu cầu giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; năng lực số của một bộ phận người dân trên địa bàn huyện còn hạn chế, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện sử dụng DVCTT chưa cao. Nhưng trong năm 2023 với quyết tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đặc biệt là sự nhiệt huyết, sáng tạo của cán bộ tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã, công tác CĐS trong giải quyết TTHC của Yên Thành đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận:  Toàn huyện Yên Thành đã tiếp nhận 81.012 hồ sơ trên Hệ thổng thông tin giải quyết TTHC tỉnh Nghệ An(chiếm 1/4 số hồ sơ của 21 huyện, thành, thị) trong đó số hồ sơ trực tuyến đạt 76%; đã giải quyết 80.348 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết trước hạn đạt 98%; đã thực hiện được gần 52.000 hồ sơ chứng thực điện tử và hơn 2.700 lượt liên thông khai sinh, khai tử; tỷ lệ số hoá hồ sơ xấp xỉ đạt 66%, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt hơn 35%, trong năm 2023 Yên Thành đứng đầu cả tỉnh về nội dung này. Tiếp tục phát huy những kết quả đó, trong ba tháng đầu năm 2024 số hồ sơ của Yên Thành chiếm đến 24,25%  số hồ sơ của 21 huyện, thành phố, thị xã toàn tỉnh; tỷ lệ số hoá hồ sơ xấp xỉ đạt 99%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 88%. Để đạt được những kết quả đó là nhờ Huyện uỷ, UBND huyện đã triển khai đồng bộ một số giải pháp như sau:

Một là quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết TTHC : Ngay từ đầu năm Huyện uỷ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính và UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến thực hiện CĐS trong công tác giải quyết TTHC trên địa bàn huyện. Riêng  trong đầu năm 2024, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 16/02/2024 về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng sử dụng phần mềm Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Nghệ An trên địa bàn huyện Yên Thành năm 2024, Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 26/02/2024 về việc nâng cao chất lượng cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến(DVCTT) và xây dựng mô hình điểm trong thực hiện DVCTT trên địa bàn huyện Yên Thành năm 2024, Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 22/3/2024 về việc thực hiện CĐS trong công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trên địa bàn huyện Yên Thành năm 2024. Trong báo cáo kiểm soát TTHC hàng tháng của UBND 39 xã, thị, của UBND huyện đều yêu cầu đề cập nội dung thực hiện chuyển đổi số trong công tác giải quyết TTHC; nổi bật nhất là hàng tháng UBND huyện đều nghe báo cáo tình hình cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trên địa bàn huyện, đặc biệt là việc thực hiện CĐS trong giải quyết TTHC, số hoá hồ sơ, thanh toán trực tuyến và thực hiện đồng bộ hồ sơ lên Cổng DVC quốc gia.

Anh-tin-bai

(Bản đồ hiển thị chất lượng dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia của huyện Yên Thành)

Hai là nâng cao nhận thức về thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết TTHC: UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành cấp huyện phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của việc thực hiện CĐS trong giải quyết TTHC. Từ đó lãnh đạo, cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã nhận thức rõ việc thực hiện CĐS trong công tác giải quyết TTHC chính là đang xây dựng và phát triển chính quyền số, nhân lực số, xã hội số đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn huyện; thực hiện CĐS trong giải quyết TTHC làm cho quá trình thực hiện TTHC được công khai, minh bạch; tính hiệu quả, hiệu lực đạt cao; làm cho quá trình cung cấp và sử dụng DVC được đơn giản hoá, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời xác định được việc thực hiện CĐS trong giải quyết TTHC là từng bước hiện đại hoá quá trình này, cụ thể: Thực hiện tiếp nhận hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử, số hoá hồ sơ thay cho việc tiếp nhận, giải quyết và lưu hồ sơ giấy; các quy trình liên quan đến TTHC như ban hành, công khai, rà soát, thực hiện, đánh giá đều được thực hiện trên môi trường điện tử, môi trường số; thực hiện DVCTT, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến phí/lệ phí hồ sơ TTHC để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và chính quyền trong quá trình thực hiện TTHC, tăng cường giải quyết TTHC không phụ thuộc vào thời gian và địa giới hành chính; thực hiện đồng bộ giữa các cơ sở dữ liệu, tạo ra kho dữ liệu dùng chung và có thể tái sử dụng lâu dài.

Ba là quan tâm đến việc xây dựng hạ tầng số trong công tác giải quyết TTHC: UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đều ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỷ thuật đặc biệt là cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ cho việc thực hiện CĐS trong giải quyết TTHC. Đến nay tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả(TN&TKQ) cấp huyện, cấp xã, Bộ phận Một cửa Công an huyện và Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã được trang bị đầy đủ máy vi tính, máy scan, mạng internet tốc độ cao và các trang thiết bị khác để đảm bảo cho việc kết nối dữ liệu giữa các Hệ thống, đảm bảo triển khai tốt việc tiếp nhận, giải quyết, số hoá và đồng bộ hồ sơ trên môi trường điện tử; sẵn sàng cung cấp DVCTT và tạo điều cho người dân, tổ chức thanh toán phí/lệ phí hồ sơ bằng cách không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến. Đồng thời UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với Cổng thông tin điện tử tỉnh, VNPT Nghệ An và UBND các xã, thị trấn thường xuyên rà soát quy trình điện tử, thành phần hồ sơ của các TTHC cấp huyện, cấp xã, liên thông trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; hoàn thiện cấu hình tạo điều kiện cho cán bộ tại Bộ phận TN&TKQ cấp huyện, cấp xã thuận lợi trong việc tiếp nhận hồ sơ trên môi trường điện tử và số hoá hồ sơ.

Bốn là quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số trong công tác giải quyết  TTHC: UBND huyện và các xã thị đã xây dựng đội ngũ cán bộ tại Bộ phận TN&TKQ cấp huyện, cấp xã đan xen với Tổ giúp việc triển khai Đề án 06/CP trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trên địa bàn huyện về thực hiện CĐS trong công tác giải quyết TTHC; tổ chức tập huấn kỹ năng số áp dụng vào quá trình tiếp nhận, giải quyết, số hoá hồ sơ cho cán bộ tại Bộ phận TN&TKQ cấp huyện, cấp xã. Trong năm 2023 và ba tháng đầu năm 2024, UBND huyện đã tổ chức năm cuộc tập huấn chung và ba cuộc tập huấn chuyên sâu về CĐS trong giải quyết TTHC, cung cấp và sử dụng DVCTT cho hơn 350 cán bộ, công chức tại Bộ phận TN&TKQ cấp huyện, cấp xã. UBND các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã và các Tổ công nghệ số cộng đồng; bố trí lực lượng cán sự thôn xóm, đoàn thanh niên và giáo viên của các trường trên địa bàn làm nòng cốt trong  các Tổ công nghệ số ở cơ sở; tiến hành tập huấn kỹ năng số, kỹ năng sử dụng DVCTT, thanh toán trực tuyến cho các Tổ công nghệ số để từng bước nhân rộng cho người dân, tổ chức trên địa bàn huyện. Đến nay đã thành lập 370 tổ công nghệ số cộng đồng với 1969 người tham gia giúp hướng dẫn người dân, hộ gia đình sử dụng DVCTT và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số.

Năm là quan tâm đến việc phát triển chính quyền số trong công tác giải quyết TTHC: UBND huyện và các xã, thị trấn đã khai thác và vận hành tốt các hệ thống thông tin dùng chung  phục vụ quản lý và điều hành quá trình cung cấp, sử dụng DVC tại các đơn vị; thực hiện tiếp nhận 100% hồ sơ TTHC đã có quy trình điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và Cổng DVC quốc gia; thực hiện nghiêm túc cơ chế một cửa, một cửa liên thông và tăng cường cung cấp kết quả điện tử(ký số kết quả) trong quá trình giải quyết TTHC. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, các thành quả của công cuộc CĐS đã tạo ra, đặc biệt là thành quả của Đề án 06/CP để sử dụng có hiệu quả các hệ thống, phần mềm phục vụ cho việc giải quyết  TTHC trên môi trường điện tử; tập trung đẩy mạnh số hóa hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến.

Sáu là quan tâm đến việc phát triển công dân số, xã hội số trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong công tác giải quyết TTHC: Với phương châm “nhận thức" là quyết định, “người dân, doanh nghiệp" là trung tâm của quá trình thực hiện CĐS trong công tác giải quyết TTHC, UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh việc phát triển kỹ năng số cho người dân, tổ chức trên địa bàn huyện để áp dụng vào quá trình kiểm tra, giám sát việc giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị; nâng cao tỷ lệ người dân biết và sử dụng DVCTT, hạn chế tiếp xúc giữa người dân và cán bộ, chính quyền trong quá trình giải quyết các TTHC. Các Tổ công nghệ số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền đến tận người dân về công tác chuyển đổi số; hỗ trợ bà con nhân dân hình thành kỹ năng số, cách sử dụng DVCTT, thanh toán trực tuyến; ở nhiều xã trên địa bàn huyện đã hình thành được mô hình “Làng số”, “Thôn thông minh”.

    Bảy là gắn quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện với quá trình thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết TTHC: Hiện tại toàn bộ hệ thống chính trị và bà con nhân dân trên địa bàn huyện đang quyết liệt, khẩn trương thực hiện hoàn tất các chỉ tiêu để phấn đấu xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024; dự kiến đến hết quý II/2024 Yên Thành có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó có nhiều đơn vị đã và đang về đích nông thôn mới kiểu mẫu bằng tiêu chí nâng cao “Thực hiện chuyển đổi số”, với trọng tâm là thực hiện CĐS trong công tác giải quyết TTHC.

VĂN NGỤ - VĂN PHÒNG HĐND UBND  

 

BẢN ĐỒ HUYỆN YÊN THÀNH
image

Tin tức
  • LÃNH ĐẠO HUYỆN YÊN THÀNH DỰ TỌA ĐÀM KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 Ở MỘT SỐ TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
1