ĐĂNG NHẬP  
image banner
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2010-2015), Nghị quyết số 01/NQ-HU ngày 16/12/2010 của  Ban  chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, qua hơn 4 năm qua Yên Thành đã chủ động, có những cách làm sáng tạo và hiệu quả, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, chăn nuôi.

Nhằm mục đích nâng cao giá trị đất canh tác để từ đó nâng cao thu nhập cho nhân dân, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Yên Thành đã xây dựng và ban hành đề án “Quy hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đảm bảo thâm canh bền vững’’. Mặc dù triển khai trong điều kiện có nhiều khó khăn như thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, suy thoái kinh tế tác động đến đời sống của người dân..., nên huyện xác định rất rõ ngay từ đầu để thành công cần những bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương cũng như nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Kết hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tổ chức rà soát, lập quy hoạch phân vùng sản xuất gắn với từng loại cây trồng, vật nuôi; tổ chức chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn nhằm tạo thuận lợi đầu tư thâm canh. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát quy hoạch, đề án tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng địa phương, theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi, hệ thống hồ đập không ngừng được đầu tư nâng cấp đảm bảo thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển dần sản xuất theo hướng công nghiệp.

Về trồng trọt, tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng hàng hóa với khâu đột phá là tập trung chỉ đạo về thời vụ và thay đổi bộ cơ cấu giống lúa bằng các giống lúa ngắn ngày, cho năng suất, chất lượng cao, đồng thời đẩy nhanh chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, tập trung phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, cây ăn quả, cây công nghiệp nhằm phát huy hết lợi thế của huyện. Cùng với đó, huyện cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và xây dựng cơ chế hỗ trợ cho nông dân. Hàng năm, kết hợp các nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên, huyện đã tổ chức hỗ trợ cho các địa phương triển khai trồng lúa chất lượng cao, liên doanh trong sản xuất lúa giống cũng như hỗ trợ người dân, các HTX mua máy làm đất các loại, máy gặt đập liên hợp để đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động cho nông dân, giảm chi phí sản xuất và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Nhờ vậy, những năm qua sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã chuyển nhanh sang sản xuất hàng hóa, xóa bỏ sản xuất xuân sớm, giảm diện tích xuân trung và sản xuất lúa mùa, tập trung thâm canh vụ Xuân muộn và Hè thu; đặc biệt nếu trước đây cơ cấu giống lúa cũ, năng suất chất lượng thấp chiếm tới 80% diện tích thì nay đã có trên 90% diện tích được gieo trồng bằng giống lúa năng suất, chất lượng tốt; hàng năm liên kết với các doanh nghiệp sản xuất gần 1.000 ha lúa giống mỗi vụ ở các xã như Hoa Thành, Thọ Thành, Đô Thành, Hậu Thành, Phúc Thành, Liên Thành,… tạo nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn toàn huyện với diện tích gần 3.000 ha mỗi năm cho giá trị thu nhập cao hơn từ 10 đên 15%. Bên cạnh đó, việc đưa một số cây trồng mới như cam, nấm vào sản xuất đã khẳng định được hiệu quả, có đầu ra ổn định, đến nay toàn huyện đã có hơn 100 ha cam quy mô tập trung với sản lượng 1.500 tấn/năm, cho thu nhập 900 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha; 21 xã tham gia sản xuất nấm với sản lượng đạt 500 tấn/năm. Nhờ áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nên năng suất các loại cây trồng tăng cao: Năng suất lúa năm 2014 bình quân đạt 60,72 tạ/ha cao hơn năm 2010 là 9,72 tạ/ha; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đạt gần 80 triệu đồng/ha, tăng 30 triệu/ha so với năm 2010; hệ số sử dụng đất đạt 2,4 lần; sản lượng lương thực đạt 165.952 tấn, sản lượng lạc đạt 1.011 tấn. Điều đáng ghi nhận, đó là đến nay trên địa bàn đã hình thành được các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: vùng nguyên liệu sắn 1.500 ha, sản lượng gần 32.000 tấn; mía nguyên liệu 300 ha, sản lượng gần 12.000 tấn; chuối 50 ha. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả đáng mừng, đến nay toàn huyện đã có hơn 1.000 máy làm đất, 18 máy gặt đập liên hợp, đưa cơ giới hoá vào làm đất đạt tỷ lệ trên 80%, gặt đập tại ruộng trên 60%, góp phần giải quyết nhanh thời vụ và tăng năng suất lao động. Ngoài ra, trong 4 năm qua huyện đã tổ chức xây dựng được gần 160 mô hình các loại, nhiều mô hình cho thu nhập cao như mô hình trồng hoa ở Thị trấn, mô hình trồng hành ở Hợp Thành, mô hình cam ở Đồng Thành, Minh Thành, trồng dưa chuột ở Minh Thành, mô hình sản xuất giống lúa lai F1 LC25 ở Phúc Thành, sản xuất ngô nếp hàng hóa ở Mỹ Thành, mô hình 5 ha ớt cay tại xã Tây Thành và Nam Thành, khoai lang chất lượng cao tại Minh Thành, Tiến Thành v.v. Các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai và nhân rộng. Đồng thời tổ chức sản xuất được gần 40 cánh đồng sản xuất lớn, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.

Về chăn nuôi, huyện đã tập trung chỉ đạo quy hoạch chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đảm bảo môi trường, theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đưa các giống có năng suất cao vào chăn nuôi như sind hóa đàn bò, bò sinh sản, nạc hóa đàn lợn, đàn gia cầm siêu thịt, siêu trứng, dê, ong mật lên 60-70%. Nhiều mô hình trang trại, gia trại được hình thành và khẳng định hiệu quả, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 60 trang trại, hơn 300 gia trại chăn nuôi. Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên các trang trại, gia trại và mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả cao, nhiều trang trại cho thu nhập bình quân đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, trang trại lợn của Công ty Thành Đô tại xã Tiến Thành với 600 con lợn nái ngoại cho thu nhập 15 tỷ đồng/năm, hộ anh Nguyễn Đình Hoài (Mỹ Thành) chăn nuôi lơn thịt cho thu nhập 7,5 tỷ đồng/năm, Nguyễn Văn Cảnh (Mã Thành) chăn nuôi gia cầm cho thu nhập 5,7 tỷ đồng/năm, Nguyễn Khắc Thư (Phú Thành) chăn nuôi lợn cho thu nhập 3,5 tỷ đồng/năm, Nguyễn Bá Hạnh (Liên Thành) chăn nuôi lợn cho thu nhập 3,2 tỷ đồng/năm v.v. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm đạt 25.352 tấn, hệ số xuất chuồng đạt 3,33 lần. Bên cạnh đó, với chủ trương khai thác tối đa diện tích mặt nước hiện có, huyện đã tập trung chuyển đổi những khu ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi thủy sản, mở rộng diện tích cá lúa, cá vụ 3 lên 500 ha trên tổng số 2.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện. Phong trào nuôi thủy sản nước ngọt phát triển rộng khắp, bước đầu đã tạo ra nhiều mô hình cho hiệu quả cao ở các xã Đô Thành, Thọ Thành, Hợp Thành, Khánh Thành, Liên Thành,... Ngoài phát triển thủy sản truyển thống, những năm qua huyện tập trung chỉ đạo đưa các loại con đặc sản như cá lóc, ếch, ba ba, nuôi lươn không bùn, cá diêu hồng, cá rô phi Đài Loan, cua đồng,... vào xây dựng mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm tiền đề mở rộng sản xuất trên địa bàn huyện.

Sản xuất lâm nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, chuyển từ sản xuất theo truyền thống lấy quốc doanh làm nòng cốt sang sản xuất lâm nghiệp nhân dân mang tính xã hội hoá nghề rừng ngày càng cao, đa thành phần, đa nguồn lực đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng. Huyện đã tranh thủ tối đa các nguồn lực từ Trung ương và các chương trình, dự án để phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của huyện. Hiện nay, Yên Thành có 20.881 ha diện tích có rừng đạt, trồng cây phân tán hàng năm đạt trên 1 triệu cây, tỷ lệ che phủ lên 36,5%, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai lũ lụt, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, giảm nghèo cho hàng vạn hộ nông dân. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học được áp dụng thành công như nhân giống cây bằng dâm hom; hạt tuyển chọn, nuôi cấy mô tế bào,... Nhiều khu rừng trồng thâm canh keo cho năng suất cao 120-135 tấn/chu kỳ kinh doanh 5-7 năm, sản lượng gỗ hàng năm khai thác đạt 70 nghìn m3/năm.

Như vậy, đến nay nông nghiệp Yên Thành đã có những bước đi phù hợp và mang tính đột phá, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện thuần nông từ đó tạo ra được nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả dựa trên ứng dụng tốt khoa học, công nghệ, nhiều giống cây con có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất. Năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên; trồng và bảo vệ rừng thực hiện tốt hơn. Trong điều kiện khó khăn, lạm phát nhưng nông nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 7,2%, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm hơn 44% .

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng bình quân nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 là 5-6%/năm, Yên Thành tiếp tục chỉ đạo thực hiện đề án “Quy hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đảm bảo thâm canh bền vừng’’, tập trung dành nguồn lực ưu tiên đầu tư hạ tầng đồng bộ cho các vùng phát triển sản xuất như: Rau an toàn, lúa hàng hóa, cây ăn quả, chuyển đổi rừng, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao, áp dụng các biện pháp khoa học tiên tiến trong khâu giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản chế biến nông sản. Quan tâm đầu tư cứng hóa các đường trục chính nội đồng, hệ thống kênh mương, các công trình thủy lợi sau dồn điền đổi thửa tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tích cực thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, tạo việc làm ổn định nâng cao thu nhập cho nhân dân./.

Tác giả: Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng NN&PTNN

BẢN ĐỒ HUYỆN YÊN THÀNH
image

Tin tức
  • Thời sự truyền hình Yên Thành 21-3-2025
1