ĐĂNG NHẬP  
image banner
Phan Đăng Lưu - Nhà cách mạng tiền bối, một “trí thức cách mạng tiêu biểu”
Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902  tại thôn Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông là nhà cách mạng tiền bối, một “trí thức cách mạng tiêu biểu” (Lời của Tổng Bí thư Lê Duẩn); Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (1936), Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (từ 3/1937), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ 9/1937), Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (1938 -1940). Ông hy sinh ngày 26/8/1941 trước mũi súng của thực dân Pháp  tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định cùng với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Phan Đăng Lưu -  Nhà cách mạng tiền bối, một “trí thức cách mạng tiêu biểu”

 

Dòng họ Phan  ở Hoa Thành khởi đầu từ Mạc Mậu Giang, Hoàng tử thứ 14 của Mạc Phúc Nguyên - vua Tuyên Tông nhà Mạc (1546 - 1561). Sau khi nhà Mạc đổ, cụ Mạc Mậu Giang đưa con cháu vào nơi này lập nghiệp, lập nên dòng họ Phan Mạc (Phan Xuân, Phan Đăng, Phan Sỹ..). Cha Ông là nông dân theo nghiệp đèn sách, am tường nho, y, lý, số; mẹ Ông là con gái  cụ cử nhân Trần Danh Tiêu, một nhà nho nổi tiếng trong vùng. 

             Xã Tràng Thành (Hoa Thành) cũng như nhiều vùng đất khác của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng vẻ vang. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Yên Thành đã anh dũng đứng lên chống Pháp,  hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. Cuối năm 1885, Cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn (ở Diễn Châu) cùng Phó bảng Lê Doãn Nhã (ở Yên Thành) đã tập hợp các sĩ phu và những người yêu nước như Lãnh Ngợi, Đốc Quyền…khởi nghĩa chống Pháp, lập căn cứ địa ở Vũ Kỳ (xã Đồng Thành), tiến hành nhiều trận đánh Pháp, nhất là trận thắng ở ngay xã Tràng Thành vào tháng 5/1885. Cử nhân Chu Trạc (sinh năm 1849), một người con của xã Tràng Thành, năm 1908 đã làm lễ tế cờ, kêu gọi nhân dân tiếp tục chống Pháp. Cụ bị Pháp bắt, kết án tử hình, nhưng năm 1917, được giảm án, ra tù và mất 10 năm sau đó.

         

Anh-tin-bai

Khu di tích, nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Ngôi nhà này được cha mẹ Ông là cụ Phan Đăng Dư và cụ bà Trần Thị Liễu xây dựng năm 1929 trên khu đất và nhà cũ của gia đình

 

Từ nhỏ, Phan Đăng Lưu sớm bộc tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; Ông học giỏi tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pháp, các bộ môn văn học, nông học, chính trị học, xã hội học… Cuối năm 1920, Phan Đăng Lưu rời quê vào học trường Quốc học Huế. Năm 1921, Ông thi vào trường Nông nghiệp thực hành Tuyên Quang; năm 1923, sau khi tốt nghiệp loại ưu, Ông lần lượt làm việc ở ở Trại tằm Thanh Ba (Phú Thọ), Nhà Tằm Diễn Châu. Cuối năm 1925, Ông bí mật tham gia Hội Phục Việt - một tổ chức yêu nước vùng Nghệ Tĩnh. Ông đã cùng các đồng chí Trần Phú, Trần Đình Thanh, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt, Trần Văn Tăng, Nguyễn Thị Minh Khai…cùng nhân dân đấu tranh đòi Pháp trả tự do cho cụ Phan Bội Châu (1925), đòi để tang cụ Phan Châu Trinh (1926).  Tháng 3/1926, Hội Phục Việt đổi thành Hội Hưng Nam, tháng 7/1926 , đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng.  Do các hoạt động yêu nước, tháng 6/1927, Phan Đăng Lưu bị Khâm sứ Trung Kỳ ký quyết định thải hồi. Tháng 5/1928, Ông được Tổng bộ cử vào Huế, bổ sung vào Ban Thường vụ của Tổng bộ và tham gia Ủy viên Tỉnh bộ Huế. Ngày 14/7/1928, Đại hội Tổng bộ khai mạc tại Huế, đổi tên Đảng là Tân Việt Cách mạng Đảng, dời Trụ sở từ Vinh vào Huế.  Đại hội bầu Ban lãnh đạo mới, ông Đào Duy Anh làm Bí thư, ông Phan Đăng Lưu làm Ủy viên Tuyên truyền và Giao thông, phụ trách Trung Kỳ. Ông đã cùng với ông Đào Duy Anh và một số người khác dịch, biên soạn một số tài liệu sang tiếng Việt như "A.B.C Chủ nghĩa Mác", "Dân chủ mới", "Xã hội luận", "Lược sử các học thuyết kinh tế", "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản"... Tháng 9/1928 và tháng 9/1029, Đảng Tân Việt hai lần cử Phan Đăng Lưu và một số người sang Quảng Châu (Trung Quốc) để bắt liên lạc với Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Lần đi thứ hai, Phan Đăng Lưu bị mật thám Pháp bắt ở Hải Phòng và đưa về giam ở Vinh.

           Phan Đăng Lưu gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam ngay sau khi Đảng ra đời trong nhà tù Buôn Mê Thuột. Sau 7 năm bị giam cầm, ra tù, Ông tiếp tục cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.  Tại Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ (3/1937), Ông được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Ông đã cùng Xứ ủy lãnh đạo tài tình cuộc đấu tranh “giành ghế” ở nghị trường, kết hợp đấu tranh công khai trên báo chí, xuất bản, văn học, nghệ thuật. Nhờ đó, tất cả 18 ứng cử viên do Đảng giới thiệu đều trúng cử ngay từ vòng đầu và nắm các chức vụ quan trọng từ Viện trưởng, Viện phó đến phần lớn các Ủy viên Ban Thường trực.

             Tháng 9/1937,  Ông tham dự Hội nghị BCHTW Đảng mở rộng tại Hóc Môn, Bà Điểm, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 3/1938,  Ông được bầu vào Ban Thường vụ TW Đảng. Cuối năm 1939, Phan Đăng Lưu được Trung ương điều động vào Nam Kỳ. Ông tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ Sáu, góp phần tích cực vào việc vạch đường lối chiến lược, sách lược của Đảng để chuyển hướng đấu tranh cách mạng.

              Năm 1940, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị địch bắt, chỉ còn lại duy nhất Phan Đăng Lưu. Tình hình Nam Kỳ  lúc đó sục sôi ý chí khởi nghĩa giành chính quyền. Bằng lý luận và thực tiễn đấu tranh cách mạng dạn dày, kiên định, sáng suốt, Phan Đăng Lưu nhận thấy thời cơ, lực lượng để khởi nghĩa chưa chín muồi. Từ Nam Kỳ, ông ra Bắc triệu tập và chủ trì Hội nghị (Hội nghị lần thứ Bảy) nhằm tái lập Ban chấp hành Trung ương Đảng trên cơ sở bộ máy và nhân sự của Xứ ủy Bắc Kỳ; xin ý kiến Trung ương trì hoãn khởi nghĩa ở Nam Kỳ; ông chủ động đề cử đồng chí Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh) làm Quyền Tổng Bí thư của Đảng và xung phong trở lại Nam Kỳ đang đầy máu lửa; đề nghị Trung ương cho chuyển cơ quan đầu não của Đảng từ Nam Kỳ ra Bắc Kỳ. Ngay sau Hội nghị Trung ương,  Phan Đăng Lưu tức tốc trở lại miền Nam, khi ông vừa về đến Sài Gòn-Chợ Lớn thì khởi nghĩa Nam Kỳ đã bùng nổ đêm hôm trước. Khí thế cách mạng ngút trời, nhưng kẻ thù đã dìm cuộc Khởi nghĩa  trong biển máu. Phan Đăng Lưu và nhiều đồng chí, đồng bào bị địch bắt, bị tra tấn dã man và ngã xuống trước hừng đông độc lập, tự do của Tổ quốc.

             Phan Đăng Lưu là anh cả của ba người em là Phan Đăng Tài, Phan Đăng Triều, Phan Đăng Dương. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Danh, các con ông là Phan Thị Lê, Phan Đăng Tề (Phan Xuân Tâm), Phan Đăng Luyến (con bà Lê Thị Nhồng).

             Phát huy truyền thống quê hương và gia đình, nhiều người em, con, cháu, chắt trong lòng cụ Phan Đăng Dư, Trần Thị Liễu như Phan Đăng Tài, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh từ cuối năm 1945, cán bộ lớp đầu tiên của Báo Nhân Dân; GS,TSKH Phan Đăng Nhật, Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian; Nhạc sỹ Phan Đăng Hồng (Hồng Đăng), Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam và nhiều sỹ quan cấp cao, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà khoa học, doanh nhân.

          Nhiều địa phương, trường học, đường phố, công trình văn hóa trong cả nước vinh dự và tự hào được mang tên Nhà cách mạng tiền bối xuất sắc Phan Đăng Lưu.

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ

CẤP QUỐC GIA PHAN ĐĂNG LƯU

HUYỆN YÊN THÀNH

 
12345678910...
BẢN ĐỒ HUYỆN YÊN THÀNH
image

Tin tức
  • Thời sự truyền hình Yên Thành 21-3-2025
1