ĐĂNG NHẬP  
image banner
ĐỀN LÀNG DANH - NGÔI ĐỀN LINH THIÊNG CỔ KÍNH TRÊN VÙNG ĐẤT CỔ QUỲ LĂNG

Đền làng Danh hay còn gọi là Đền làng Giáp, Đền Bảo Sơn.

Đền làng Danh hiện nay thuộc xóm 3, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đền làng Danh cách thành phố Vinh khoảng 60 km và phía Bắc. Cách huyện lỵ Yên Thành 08km về phía Bắc.

Quý khách tới tham quan di tích: xuất phát từ thành phố Vinh, quý khách đi theo Quốc lộ 1A hướng Vinh – Hà Nội, đến Km42, rẽ trái đi theo đường Quốc lộ 7B đến Trung tâm VHTT huyện Yên Thành, rẽ phải theo đường liên huyện đi Đức Thành khoảng 08km là đến di tích. Xuất phát từ Hà Nội quý khách đi theo Quốc lộ 1 A hướng Hà Nội - Vinh, đến ngã ba cầu Bùng thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, quý khách rẽ phải,đi theo chỉ dẫn trên là đến di tích đền làng Danh.

Đền làng Danh được khởi công vào năm Quý Dậu (1816) ñôøi vua Gia Long năm thứ 13 và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Đền gồm 02 tòa: Bái đường và Hậu cung bằng gỗ lim, mái lợp ngói âm dương và Nghi môn cổ kính.

Đền làng Danh thờ Bạch Y Công chúa.

Bạch Y Công chúa là vị thần được thờ khá phổ biến ở Nghệ An. Xung quanh vị thần này có rất nhiều truyền thuyết khác nhau như:

Truyền thuyết thứ nhất cho rằng Bạch Y Công chúa là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn tên là La Bình, con gái của thần Tản Viên và Mỵ Nương (con gái vua Hùng) tên là La Bình. Nàng có sắc đẹp và tài đức nên được Tản Viên hết mực yêu thương, đi đâu cũng cho nàng theo. Đi đến đâu, nàng cũng yêu quý, quyến luyến với núi non, muông thú. Thấy vậy, Thượng đế đã phong cho nàng là nữ chúa rừng xanh, còn gọi là chúa Thượng Ngàn và giao cho nàng cai quản tám mươi mốt cửa rừng xanh cõi Nam Giao. Không phụ lòng Thượng đế, chúa Thượng Ngàn chăm chỉ làm việc, bảo ban các loài cầm thú phải biết sống hoà hợp, dạy cho chúng biết tránh những loại quả độc, nấm độc, biết tránh khỏi những cây cối đổ, những cơn lũ quét. Với con người, Chúa cũng dạy bảo chu đáo, tỉ mỉ về cách làm nhà sao cho chắc chắn, cách nấu chín thức ăn, cách lấy ống bương để dẫn nước từ khe núi xuống, dạy cách chăn nuôi gia súc, thêm nhiều giống cây trồng mới... Chúa còn đi phân phát hạt giống tốt làm cho nơi nào cũng có cơm dẻo, nếp thơm. Từ đó, dân chúng sinh sôi, nảy nở ngày càng nhiều, làng mạc ngày càng đông vui trù phú.

Truyền thuyết thứ hai lại kể rằng Bạch Y Công chúa là con gái vua Hồ Quý Ly. Nàng sinh ra trong một gia đình thế phiệt trâm anh, ngay từ nhỏ, được rèn dạy về cầm, kỳ, thi, họa. Lớn lên, Bạch Y Công chúa không những thông minh, xinh đẹp mà còn hát hay, đàn giỏi, được cha Hồ Quý Ly hết mực thương yêu. Tháng 3 năm 1400, sau khi Hồ Quý Ly lên nắm vương quyền, Hồ Quý Ly đã thực hiện một loạt cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục và khoa học - kỹ thuật,…

Khi biết giặc Minh có ý đồ xâm lược nước ta, vua Hồ Quý Ly cùng hai con là Hồ Hán Thương và Hồ Nguyên Trừng đã tổ chức việc phòng thủ đất nước và chuẩn bị lực lượng để kháng chiến. Vua Hồ cho nạo vét kênh Nhà Lê vận chuyển lương thực, vũ khí vào phía Nam để xây dựng các căn cứ chống giặc. Nhà Hồ ý định cho xây dựng thành nhà Hồ trên núi Đại Huệ nên đã tập trung lực lượng quyết tâm đào thông đoạn kênh Sắt thông ra sông Cấm. Việc làm này hết sức tốn kém, đã lấy đi không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu của dân phu, binh lính khiến cho nhiều người chết, nhiều nguời bỏ trốn.

Để khích lệ tinh thần cho binh lính và dân phu, Hồ Quý Ly đã đưa người con gái yêu có giọng hát hay, đàn giỏi đến công trường hát cho mọi người nghe. Nhưng ngược lại với mong muốn của vua cha, chứng kiến cảnh lao động khó khăn, cùng cực mà không có kết quả, Bạch Y Công chúa vô cùng đau xót, liền nghĩ cách cứu dân phu thoát nạn. Nàng được một bà cụ tốt bụng bày cho cách chặt cây máu chó trong vùng rồi đêm đến đem rải ngâm xuống dòng kênh. Sáng ra, cả một khúc kênh đang đào dang dở đỏ thẫm một màu máu. Nàng lại tâu với vua cha là việc đào kênh đã chạm phải Long mạch nên phải dừng lại.

Tuy nhiên, mưu kế của công chúa bị bại lộ, vua Hồ Quý Ly đem công chúa ra bờ kênh chém để làm gương cho kẻ khác. Lúc đó, ngay giữa ban ngày, nhân dân nghe có một tiếng sét lớn đánh xuống làm hòn đá - nơi Công chúa bị chém đầu, vỡ thành hai mảnh. Từ đó, hòn đá có tên là Hòn Nẻ. Và cũng từ đó, Bạch Y Công chúa thường hiển linh để giúp những người gặp nạn dọc bờ kênh. Nhân dân thương xót nàng bèn cho lập một đền thờ ngay cạnh Hòn Nẻ, gọi là đền thờ Bạch Y Công chúa. Từ đó Bạch Y Công chúa trở thành vị thần phù hộ cho nhân dân trong vùng. Ở những nơi có kênh đi qua, nhiều đền thờ Bạch Y Công chúa được xây dựng.

Ngoài ra vùng miền núi Nghệ An thường lưu truyền về thần tích Bạch Y Công chúa  đã hóa thân thành con chồn trắng để cứu chủ tướng Lê Lợi hay tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn khi nghĩa quân hoạt động ở vùng núi Nghệ An để chống giặc Minh xâm lược vào thế kỷ XV. Sau này lên ngôi vua, Lê Lợi nhớ đến công lao của thần đã sắc phong là “Bạch Y thần nữ” . Ngoài ra đền làng Danh còn phối thờ thần Sơn lĩnh Thái Phó.

Đền còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp.

Nét nổi bật nhất của đền chính là Nghi môn. Nghi môn được ví như lầu rồng nổi lên như kỳ quan trong vũ trụ. Ngoài ra tại đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: 04 tấm mộc bản bằng chữ Hán, các long ngai, bài vị, kiếm gỗ,...

Ngày 11/11/2016 UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 5606/QĐ.UBND.VX công nhận Đền làng Danh là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh./.

Năm 2023 kiến trúc được BQL di tích cùng chính quyền địa phương và các mạnh thường quân chung sức tu bổ khang trang đảm bảo cho các hoạt động tổ chức lễ hội.

                                                          Một số hình ảnh sau khi được tu bổ

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

                                                             Nguồn: Ngọc Thịnh - BQL di tích tỉnh
    BẢN ĐỒ HUYỆN YÊN THÀNH
    image

    Tin tức
    • Hội nông dân huyện Yên Thành:Tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
    1