Công trình độc đáo vừa là đền vừa là chùa, vừa là chốn văn hoá tâm linh của người dân xứ Nghệ
Đền chùa Gám tọa lạc tại làng Kẻ Gám (thuộc xóm 6, Xuân Thành, Yên Thành (tỉnh Nghệ An) và nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh sinh thái rú (núi) Gám, một trong những công trình tín ngưỡng tôn giáo, mang tính nghệ thuật độc đáo về nét đẹp văn hóa cổ của huyện Yên Thành.
Chùa Gám (hay còn gọi là Chí Linh Tự) nằm tại xóm 6 thuộc xã Xuân Thành, huyện Yên Thành của tỉnh Nghệ An. Chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Trần và trở thành một trong những ngôi chùa ở Nghệ An có lịch sử lâu đời nhất hiện nay. Ảnh: PV
Đại đức Thích Tuệ Minh – Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Nghệ An, Trụ trì chùa Gám chào đón chúng tôi bằng nụ cười hiền từ, cởi mở. Đại đức rót chén chè nóng mời chúng tôi uống, rồi trò chuyện, hỏi han công việc cũng như sức khỏe người thân. Sau hai năm dịch Covid-19, các hoạt động ở chùa tạm thời dừng lại. Bây giờ, mọi thứ đã ổn, Phật tử, người dân đến với chùa ngày một đông hơn.
Đại đức Thích Tuệ Minh bắt đầu với câu chuyện cách đây 12 năm khi mới tùy duyên hành đạo tại đền chùa Gám, và cũng là những tháng ngày Đại đức bắt đầu đặt những viên gạch cho sự thay da đổi thịt, cho "hương từ bi" lan tỏa, ngôi chùa dần được tu sửa, khang trang, sạch đẹp, bề thế hơn. Đặc biệt, trao niềm tin yêu, lòng nhân ái, giữa tình yêu con người với con người.
Tính đến nay, cả tỉnh Nghệ An, duy nhất ở huyện Yên Thành có cơ sở tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo gồm cả đền và chùa cùng nằm trong một khuôn viên rộng, tuyệt đẹp. Chùa nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh sông Dinh-Rú Gám, biểu tượng về niềm tự hào của dân vùng quê lúa Yên Thành, nên gọi là cụm di tích đền chùa Gám
Gám là tên của làng Kẻ Gám xưa (gồm Tăng Thành và Xuân Thành nay). Đền Gám tên chữ Chân Cảm Từ, dân gian gọi là đền Cả, ngôi đền lớn nhất vùng Kẻ Gám trước đây (chữ Cả là lớn nhất). Đền Gám thờ Thành Hoàng Lý Thiên Cương và thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang; Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn; các bậc tiền nhân khai ấp lập nghiệp có công trạng với làng; thờ Bác Hồ và chư vị anh hùng liệt sĩ.
Chí Linh là tên chữ của chùa. Theo các sử liệu còn lưu, chùa có từ thời Tiền Lý, lúc đó chỉ là Am Tranh nhỏ, đến thời Trần bắt đầu được mở rộng. Đến thế kỷ XVI có bà Quận Chúa Trịnh Ngọc Dong (Dung), (vợ Lại Quận Công Phan Công Tích) đã phát tâm công đức tu sửa đền chùa.
Liên tục suốt các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, XX, đều được các triều đại vua quan phong kiến quan tâm tu sửa. Những giai đoạn phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 30-31; giai đoạn chia lại ruộng đất 50-54; giai đoạn Văn Cách 60-67, đền chùa hầu như đã được tiêu thổ và sử dụng vào các mục đích công cộng khác.
Đền chùa Gám trở thành cụm di sản, thể hiện tinh thần tam giáo đồng nguyên của cha ông ta. Đồng thời giáo dục các thế hệ phải luôn nhớ đến cội nguồn của chính mình. Đời sống tâm linh còn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam, được hun đúc suốt mấy nghìn năm lịch sử, trở thành văn hóa tâm linh, "sợi dây neo" giữ hồn cốt dân tộc.
Năm 2015, chính quyền các cấp quyết định xây dựng dưới chân Rú Gám Thiền Viện Trúc Lâm Yên Thành. Thiền viện là nơi giảng đạo, hướng dẫn thiền cho các môn sinh.
Đền chùa Gám, là nơi gặp gỡ, hội tụ về tín ngưỡng, tôn giáo của một vùng dân cư rộng lớn. Đền chùa Gám tồn tại trên mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, tư tưởng trung quân ái quốc theo tinh thần không giáo. Lễ hội đền chùa Gám được tổ chức từ ngày 14 – 16/2 (Âm lịch) hàng năm, với nhiều nội dung tế lễ, sinh hoạt khác nhau nhưng được phối hợp tổ chức một cách hài hòa.
Đền chùa Gám đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2007. Năm 2018, được đón nhận bằng bảo trợ Di tích Lịch sử Văn hóa đền chùa Gám là Di tích có giá trị lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc Việt Nam do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng.
Cuối năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thống nhất chủ trương cho phép UBND huyện Yên Thành lập quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch văn hoá tâm linh sinh thái Rú Gám. UBND huyện đã phối hợp với Công ty kiến trúc Hoàng Đạo (giáo sư Hoàng Đạo Kính) - một trong những công ty kiến trúc hàng đầu của Việt Nam để thống nhất phương án kiến trúc.
Ngày 28/10/2012, UBND huyện Yên Thành đã tổ chức lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch sinh thái và tâm linh Rú Gám. Theo Quyết định này, tổng diện tích quy hoạch trên 316 ha, được chia thành 5 khu chức năng.
Mái chùa lan tỏa yêu thương
Lễ hội đền chùa Gám diễn ra trong không khí vui tươi, với mong muốn gìn giữ bản sắc cũng như thuần phong mỹ tục của dân tộc. Lễ hội tạo ra sân chơi lành mạnh, kết nối tình yêu thương mọi người, thành một tập thể đoàn kết, gắn bó.
Hàng năm đền chùa Gám luôn hướng đến các hoạt động xã hội trên địa bàn huyện Yên Thành và các vùng lân cận như: Mở các lớp dạy khóa tu mùa hè "Ươm Mầm Hoa Sen; Ươm mầm đạo đức; Em về bên Phật, Hành trang vào đời" với sự tham gia hàng nghìn bạn trẻ độ tuổi 6 đến 12 trải nghiệm đầy ý nghĩa; mở câu lạc bộ võ; mở các khóa kỹ năng sống; các hoạt động chăn ấm mùa đông; mắt sáng người già…
Năm 2013, Đại đức Thích Tuệ Minh lập ra Câu lạc bộ "Hương lúa tình quê"; chương trình nồi cháo yêu thương cho Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành; "Quỹ giúp đỡ người nghèo", đến nay quỹ đạt hơn 200 triệu đồng, giúp đỡ nhiều gia đình Phật tử vay vốn không lãi suất. Ủng hộ quỹ khuyến học, giúp đỡ các cháu mồ côi, không nơi nương tựa, học sinh nghèo vượt khó… Hàng trăm căn nhà đại đoàn kết (30-50 triệu/căn nhà) cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2018, Đại đức Thích Tuệ Minh còn lập phòng khám chẩn trị y học cổ truyền trong khuôn viên chùa, quy tụ nhiều y sĩ, bác sĩ đang công tác trong ngành y của tỉnh, huyện thăm khám, chữa bệnh miễn phí.
Ngoài ra, Đại đức nhận nuôi dạy nhiều em có hoàn cảnh khó khăn ăn học từ cấp tiểu học tới đại học. Hiện tại chùa có 10 em nhỏ 14 tuổi trở lên được nuôi dạy và phối hợp cùng nhóm từ thiện 3838, nhận nuôi 160 học sinh ở trường tiểu học bán trú Nậm Cắn 2 (mỗi tháng 150.000 đồng/em).
Khi đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, Đại đức vận động bà con Phật tử, nhà hảo tâm đóng góp cho Quỹ vắc xin với số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Chương trình "Tết vì người nghèo"; "Hướng về nguồn", với hàng nghìn suất quà, gồm tiền mặt, nhu yếu phẩm (mỗi suất quà 500-1.000.000 đồng), được trao tại chùa hoặc mang đến tận nhà từng gia đình cho các đối tượng.
Chùa Gám còn chuẩn bị 3-5.000 suất cơm chay cho các phật tử, các du khách và dân cư bản địa về với lễ hội. Về với đền chùa Gám, du khách được tìm hiểu về đạo phật, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước thần, lễ đại tế, tham dự lễ hội hoa đăng tri ân với các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, tham gia sinh hoạt Phật giáo, Lão giáo. Đồng thời được tham gia các hoạt động, trò chơi giàu tinh thần thượng võ, lòng yêu nước, yêu quê hương, dân tộc.
Theo Đại đức Thích Tuệ Minh, mọi người, bất kể nam nữ phụ lão ấu đều không thể thiếu "sợi dây neo" trong phẩm chất, tâm hồn mình. Mỗi khi về đền chùa, chúng ta luôn bày tỏ tình cảm thiêng liêng, niềm tin linh thiêng, sự biết ơn của người đang sống đối với những người thân đã mất, đối với danh nhân, anh hùng liệt sĩ được nhân dân suy tôn làm thánh, làm thần, làm thành hoàng... là sự thấu cảm về giá trị văn hóa, đạo đức của các biểu tượng tôn giáo.
Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay, lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, chạy theo đồng tiền là một nguy cơ lớn. Để ngăn ngừa cái xấu, cái ác, ngăn ngừa lối sống thực dụng, ngoài rất nhiều giải pháp thì tác dụng giáo dục lẽ sống hướng thiện của hoạt động văn hóa tâm linh là không thể phủ nhận.
Đại đức Thích Tuệ Minh – Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Nghệ An, Trụ trì chùa Gám, chia sẻ: "Đền chùa Gám luôn hướng đến sự giáo dục cho con người (đặc biệt là lớp trẻ) về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu gia đình, bạn bè và người thân. Chùa cũng đã rất thành công các mô hình, hoạt động... tất cả những việc làm đó đều hướng đến chủ trương xưa của Phật hoàng, tạo dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc lâu bền. Yên Thành tuy là một huyện lúa nghèo về vật chất nhưng thực tế rất giàu về truyền thống, chẳng qua chưa biết phát huy rõ cái nguồn lực vốn có".
"Đền chùa Gám điểm đến về lòng giáo dục con người, ngôi nhà chung để con người không phân biệt, là nơi cần đến trong khi cuộc sống nhiều bộn bề lo toan. Qua đây, để người dân hiểu rõ Phật pháp không xa rời quần chúng người dân mà rất gần gũi với người dân. Từ những việc làm đó, càng làm cho người dân xích lại gần với Phật pháp. Khi đã hiểu được Phật pháp, con người càng có nhiều niềm an vui, có nhiều hạnh phúc, khi gặp nỗi khổ đau càng dễ vượt qua" - Đại đức Thích Tuệ Minh – Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Nghệ An, trụ trì chùa Gám, cho biết.
Lê Tập - Hồ Thỏa (nguồn Báo điện tử của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam)