HƯỚNG TỚI LỄ HỘI ĐỀN CAO SƠN - ĐỀN LONG SƠN THỦY QUỐC LẦN THỨ XVI NĂM 2025
Những ngày này, công tác chuẩn bị
cho lễ hội đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tích cực triển
khai chu đáo. Xin chia sẻ một số thông tin về nguồn gốc lễ hội đến nhân dân và
bà con thập phương.
Nguồn
gốc và ý nghĩa lễ hội
Trên địa bàn xã Vân Tụ có động Tù Và
(còn gọi là động Bồ Sơn, động Cao Các, núi Bồ Lĩnh) – một trong những ngọn núi
cao nhất nhì huyện Yên Thành, với câu ca truyền lại: "Nhất cao là động
Tù Và, thứ hai Xanh Gám, thứ ba Động Thờ". Theo quan niệm dân gian,
đây là nơi hội tụ linh khí trời đất, âm dương giao hòa, thần núi tại đây có sức
mạnh kỳ diệu, phù trợ cho cuộc sống nhân dân được ấm no. Vì vậy, nhân dân đã
lập đền thờ và hằng năm tổ chức lễ hội trọng thể để tôn vinh các vị thần.
Núi Tù Và có hai ngôi đền:
- Đền Long Sơn Thủy Quốc nằm trên đỉnh núi, còn gọi là Đền Thượng.
- Đền Cao Sơn
nằm dưới chân núi, còn gọi là Đền Hạ.
Theo tư liệu lịch sử, Đền Cao Sơn
được xây dựng từ thời Hậu Lê. Việc thờ thần Cao Sơn, Cao Các có nguồn gốc từ
những truyền thuyết lịch sử xa xưa. Qua thời gian, nhân dân địa phương đã cụ
thể hóa thần núi thành một nhân vật lịch sử với nhiều truyền thuyết khác nhau,
phổ biến nhất là thần Cao Sơn Đại Vương – vị thần núi Tản Viên (tức Sơn Tinh
trong truyền thuyết). Một số nơi khác lại coi thần là tướng của Đinh Bộ Lĩnh,
hoặc Cao Lỗ hay Cao Biền. Dù được diễn giải theo cách nào, Cao Sơn – Cao Các
vẫn được xem là vị thần linh thiêng, từng nhiều lần hiển linh giúp dân chống
lại thiên tai, dịch bệnh. Do đó, tín ngưỡng thờ thần Cao Sơn thể hiện niềm tin
và hy vọng của nhân dân về một cuộc sống yên bình, mùa màng bội thu.
Diễn
biến lễ hội
Đền Cao Sơn được xây dựng trên vùng
đất cao ráo, phong cảnh hữu tình, quay mặt về hướng Đông Nam, lưng tựa vào núi
Tù Và, trước mặt là dòng sông Vũ Giang hiền hòa. Trước đây, lễ hội chính của
đền diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch, kéo dài từ 2 đến 3 ngày, với nhiều nghi lễ
trang trọng. Đặc biệt, lễ hội có tục “Đảo Vũ Kỳ Tình” – lễ cầu mưa, mỗi
khi xảy ra hạn hán kéo dài. Năm
2016, Đền Cao Sơn vinh dự được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích lịch
sử cấp tỉnh
Bên cạnh Đền Cao Sơn, Đền Long Sơn
Thủy Quốc – hay Đền Thượng – nằm trên đỉnh núi Tù Và, gắn với truyền thuyết về
một cậu học trò tài giỏi nhưng bí ẩn, sau này hóa thân thành một con thuồng
luồng và bị thiên đình trừng phạt. Nhân dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ công
lao của thần, tin rằng thần Long Sơn Thủy Quốc linh thiêng, thường ứng nghiệm
khi cầu mưa, cầu nắng.
Tích
truyền rằng vào cuối đời nhà Trần có một ông thầy đồ nổi tiếng đức độ, uyên
thông ở tổng Bạch Hà (nay thuộc huyện Đô Lương) học sinh theo học rất đông
trong đó có một cậu học trò không rõ danh tính, gia đình ở đâu nhưng lại thông
minh hiếu học được thầy đồ yêu quý. Cứ sau một buổi học cậu cứ đi dọc bờ sông
lường giả vờ xuống rửa chân rồi biến mất. Một năm nọ, trời hạn hán kéo dài khiến
sông ngòi khô hạn, đồng ruộng nứt nẻ, cây cối héo khô, mùa màng thất bát, cuộc
sống của nhân dân quanh vùng lâm cảnh đói kém phải tha phương cầu thực phiêu bạt
khắp nơi. Thầy đồ nhìn thấy cảnh ấy rất đau lòng nên thường trầm tư, u uất. Cậu
học trò thấy Thầy buồn rầu bèn lân la hỏi chuyện, sau khi nghe được tâm sự của Thầy
ngẫm nghĩ một lúc cậu nói với Thầy “ba ngày nữa trời sẽ mưa”, đồng thời hẹn gặp
Thầy ở khúc sông Lường. Đúng ba ngày sau trời đổ mưa, cây cối trở lại xanh
tương mát mẻ. Nhớ lời cậu học trò, Thầy giáo đi tới chỗ hẹn, khi đến nơi không
thấy cậu học trò ở đâu mà chỉ thấy một con thuồng luồng chết nổi giữa khúc sông
Lường. Thì ra cậu học trò của thầy đồ đã chết và hiện nguyên hình là một con
thuồng luồng. Con thuồng luồng này chính là con gái của Long Vương. Vì cảm mến
đức độ và tài năng của thầy đồ nên hóa thân thành cậu học trò theo học. Nhưng
vì làm trái thiên lệnh nên bị thiên đình trừng phạt. Thầy đồ bèn cho học trò vớt
xác con thuồng luồng lên an táng theo nghi thức trang trọng nhất và đem câu
chuyện này kể lại cho bà con trong vùng cùng nghe. Nhân dân vùng Bạch Hà và Vân
Tụ (ở hai bên động Tù Và) cảm thương công ơn của cậu học trò nên đã lập đền thờ
ở trên đỉnh Tù Và và tôn là thần Long Sơn Thủy Quốc. Đền rất linh thiêng, cầu đảo
nhiều điều linh ứng nhất là lễ “Đảo Vũ Kỳ Tình” tức là lễ cầu mưa, cầu nắng. Những
năm hạn hán kéo dài nhân dân tổng Vân Tụ lập đàn Đảo Vũ ở đền Long Sơn Thủy Quốc
thường rất linh ứng.

Mỗi
khi chuẩn bị lễ cầu mưa thì ban lễ nghi của hàng tổng phải chuẩn bị lễ vật lên Đền
Thượng báo cáo với thần Long Sơn Thủy Quốc rồi làm lễ rước thần xuống tế ở đền
Cao Sơn. Trải qua nhiều triều đại nhận thấy sự linh ứng bảo hộ của thần cùng với
việc kể rõ sự tích của các quan viên địa phương, triều đình phong kiến đã sắc
phong cho thần nhiều sắc phong.
Sắc
phong của triều đình
Lễ hội Đền Cao Sơn – Đền Long Sơn
Thủy Quốc đã được nhiều triều đại phong kiến sắc phong, công nhận sự linh
thiêng của các vị thần. Một số sắc phong tiêu biểu:
- Ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng 44 (1783) – Triều Lê Hiển Tông, sắc phong cho thần Cao Sơn, Cao
Các như sau:
Phiên
âm: Sắc Bản xứ Cao Sơn Cao Các đương cảnh Thành hoàng
chi thần. Phòng tinh dựng tú, quang nhạc chung linh. Hãn hoạn ngự tai, thố tư
dân ư nhẫm tịch; thùy hưu diễn khánh, điện quốc tộ ưu thái bàn. Thực tư tướng hựu
chi công. Hạp cử bao phong chi thịnh điển. Vi Tự vương tiến phong vương vị, lâm
cư chính phủ, lễ hữu đăng trật, tái phụng ứng gia phong mỹ tự nhị tự. Khả gia
phong Bản xứ Cao Sơn Cao Các Đương cảnh Thành hoàng thông duệ, chính trực, hựu
thiện, đôn ngưng Đại vương.
Dịch
nghĩa: Sắc cho thần Bản xứ Cao Sơn Cao Các đương cảnh
Thành hoàng. Sao phòng chất chứa tinh anh, quang nhạc hun đúc linh thiêng. Trừ
tai ngăn hạn, đưa phương dân đến nơi yên ổn; ban lành giáng phúc, giữ vận nước ở
nơi thái bàn. Thực là công âm phù giúp đỡ. Sao lại chẳng bao phong thịnh điển.
Vì Tự vương tiến phong vương vị, ngự ngôi chính phủ, lễ có đăng trật, lại phụng
chuẩn gia phong hai chữ mỹ tự. Đáng phong thêm là Bản xứ Cao Sơn Cao Các đương
cảnh Thành hoàng, thông duệ, chính trực, hựu thiện, đôn ngưng Đại vương.
- Ngày 10 tháng 12 năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) – Triều Lê, sắc phong cho thần Long Sơn Thủy Quốc với
nhiều mỹ tự tôn vinh công đức của thần.
Phiên
âm: Sắc Long Sơn Thủy Quốc Thuận ứng Hiển linh Minh uy
Chiêu hữu Phổ hóa Phù hữu Tuy lộc Trợ phúc Hoành phúc Cẩn tiết Trinh thục Thuần
ý Gia hạnh Nhân hiếu Từ huệ Hậu đức Chí nhân Diễn khánh Tĩnh trấn Yên dân Phổ
huệ Yên bảo Trợ thắng Triệu tường Phù khánh Bảo trị Phù vận Hộ quốc Hùng tài Tế
chúng Đại vương. Phòng tinh dựng tú, cấn tượng chung linh. Tý dân gia hãn hoạn
chi công, hồng ân hà nhuận; hộ quốc diễn cửu trường chi khánh, đa phúc sơn
tăng. Tự điển tải khể hoa chương, nghi bí vi xung nhân quang thụ thiện truyền.
Niệm Tự vương tiến phong đại vị, lễ hữu đăng trật, ứng nhất thể gia phong. Khả
gia phong Long Sơn Thủy Quốc Thuận ứng Hiển linh Minh uy Chiêu hữu Phổ hóa Phù
hữu Tuy lộc Trợ phúc Hoành phúc Cẩn tiết Trinh thục Thuần ý Gia hạnh Nhân hiếu
Từ huệ Hậu đức Chí nhân Diễn khánh Tĩnh trấn Yên dân Phổ huệ Yên bảo Trợ thắng
Triệu tường Phù khánh Bảo trị Phù vận Hộ quốc Hùng tài Tế chúng Hồng ân Long trạch
Đại vương.
Dịch nghĩa: Sắc cho Long Sơn Thủy
Quốc Thuận ứng Hiển linh Minh uy Chiêu hữu Phổ hóa Phù hữu Tuy lộc Trợ phúc
Hoành phúc Cẩn tiết Trinh thục Thuần ý Gia hạnh Nhân hiếu Từ huệ Hậu đức Chí
nhân Diễn khánh Tĩnh trấn Yên dân Phổ huệ Yên bảo Trợ thắng Triệu tường Phù
khánh Bảo trị Phù vận Hộ quốc Hùng tài Tế chúng Đại vương. Sao Phòng chất chứa
tinh anh, tượng quẻ cấn hun đúc linh thiêng. Che chở dân lành lại thêm công
ngăn trừ tai nạn, ân lớn thấm nhuần rộng khắp; giúp đỡ đất nước phồn vinh tốt đẹp
lâu dài, nhiều phúc tăng thêm. Tự điển đã trải nhiều lần bao phong rực rỡ, nên
rạng rỡ mà nhận thiền truyền. Nay Tự vương tiến phong ngôi lớn, lễ có đăng trật,
nên gia phong nhất thể. Đáng gia phong là Long Sơn Thủy Quốc Thuận ứng Hiển
linh Minh uy Chiêu hữu Phổ hóa Phù hữu Tuy lộc Trợ phúc Hoành phúc Cẩn tiết
Trinh thục Thuần ý Gia hạnh Nhân hiếu Từ huệ Hậu đức Chí nhân Diễn khánh Tĩnh
trấn Yên dân Phổ huệ Yên bảo Trợ thắng Triệu tường Phù khánh Bảo trị Phù vận Hộ
quốc Hùng tài Tế chúng Hồng ân Long trạch Đại vương.

Bảo
tồn và phát triển di tích
Những năm qua, nhân dân địa phương cùng du khách
thập phương đã tích cực đóng góp công đức, chung tay trùng tu, tôn tạo Đền Cao
Sơn và phục dựng Đền Long Sơn Thủy Quốc. Qua đó, từng bước xây dựng nơi đây
thành điểm đến văn hóa tâm linh ý nghĩa, vừa bảo tồn các giá trị truyền thống,
vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân./.
Thuannv