ĐĂNG NHẬP  
image banner
UBND huyện Yên Thành ban hành Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm
 Ngày 17 tháng 2 năm 2023, UBND huyện Yên Thành ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm

Trong thời gian qua công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn huyện đã được các địa phương, phòng, ngành quan tâm tổ chức triển khai thực hiện và hiện đã có 70% gia súc đưa vào giết mổ được kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ…; tuy nhiên, công tác quản lý kiểm soát giết mổ của cơ quan chuyên môn, chính quyền một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, tình trạng không đóng dấu kiểm soát giết mổ, không đưa gia súc vào lò giết mổ tập trung mà giết mổ nhỏ lẽ trong khu dân cư còn xẩy ra… dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn thực phẩm và nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh cao,…

 

Để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ người dân và vệ sinh môi trường; UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. UBND các xã, thị trấn.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành tốt các biện pháp bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tẩy chay các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

- Quản lý chặt chẽ các hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn; việc giết mổ gia súc, gia cầm để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung đủ điều kiện về vệ sinh thú y. Thực hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT “Quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra sệ sinh thú y”, sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, không để lây lan dịch bệnh cho động vật.

- Tăng cường kiểm tra ở chợ và các tụ điểm buôn bán sản phẩm động vật, các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát giết mổ mới được bày bán. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không có dấu kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

- Báo cáo kết quả kiểm soát giết mổ định kỳ vào ngày 25 hàng tháng về UBND huyện (Qua Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp) để tổng hợp.

2. Phòng Nông nghiệp & PTNT.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giết mổ, kiểm soát giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.

3. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện.

- Phân công cán bộ phụ trách địa bàn, hướng dẫn các xã, thị trấn làm tốt công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm; việc kiểm soát trước, trong, sau giết mổ và phải kiểm tra, lăn dấu,… phải được thực hiện ngay tại nơi giết mổ, đảm bảo 100% sản phẩm gia súc trước khi bày bán đã được kiểm soát giết mổ.

- Phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ và các tụ điểm buôn bản sản phẩm động vật.

- Phối hợp với các địa phương chưa có lò giết mổ gia súc tập trung: Quản lý tốt các đối tượng hành nghề giết mổ gia súc nhỏ lẻ, bắt buộc các đối tượng phải đưa gia súc đến điểm giết mổ tập trung, tuyệt đối không để giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn thực phẩm và làm lây lan dịch bệnh.

4. Phòng Y tế và Trung tâm y tế dự phòng huyện.

Tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan.

5. Phòng Kinh tế - Hạ tầng.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, đặc biệt tại các chợ, siêu thị,...

6. Công an huyện.

Tăng cường công tác đấu tranh phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng về kiểm soát giết mổ động vật làm lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm.

7. Phòng Văn hóa - Thông tin.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân việc kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

8. Tổ chức, cá nhân hành nghề giết mổ động vật, kinh doanh sản phẩm động vật: Chấp hành nghiêm các quy định hiện hành của Pháp luật trong việc giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật. Việc giết mổ phải đưa vào cơ sở giết mổ giết mổ tập trung, được cán bộ thú y kiểm tra trước, trong, sau khi giết mổ và đóng dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt khi đạt tiêu chuẩn trước khi đưa ra thị trường.

 

Phòng Văn hóa – Thông tin (Tổng hợp)

1 2 3 4 5  ... 
BẢN ĐỒ HUYỆN YÊN THÀNH
image

Tin tức
  • Thời sự truyền hình Yên Thành 29-9-2023
1