Tại huyện Yên Thành lúa vụ Xuân trà sớm đang ở thời kỳ phân hóa đòng, trà sau đang ở thời kỳ kết thúc đẻ nhánh. Tuy vậy, trên đồng ruộng bắt đầu xuất hiện bệnh đạo ôn lá, ngành nông nghiệp huyện đang tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Cách nhận biết bệnh đạo ôn lá đối với cây lúa
Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp & PTNT toàn huyện có khoảng gần 500 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn với tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5%-10%, nơi cao 10%-30%, cục bộ một số diện tích bị cháy ở các xã Hồng Thành, Lăng Thành, Phú Thành… Diện tích nhiễm tập trung chủ yếu trên các giống nhiễm bệnh đạo ôn như Thái Xuyên 111, TBR225, AC5… Dự báo trong thời gian tới khi thời tiết nắng ấm xen kẽ không khí lạnh, có mưa kèm theo sương mù vào sáng sớm và ban đêm, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh lây lan gây hại nặng, đặc biệt trên các chân đất cát pha, thịt nhẹ, vùng bán sơn địa, gieo cấy các giống mẫm cảm với bệnh và trên những ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm. Để phòng trừ có hiệu quả và hạn chế bệnh đạo ôn lá lây lan trên diện rộng, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn và Trưởng các phòng, ngành liên quan thực hiện tốt các nội dung tại Công văn số 288/UBND.NN ngày 23/2/2022 của UBND huyện Yên Thành về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ Xuân 2022.
Phân công các thành viên Ban chỉ đạo, đoàn chỉ đạo sản xuất của địa phương bám sát cơ sở, phối hợp với Ban chỉ huy các xóm (thôn) tổ chức phân trà lúa cụ thể đối với từng giống, từng vùng để có giải pháp chăm sóc và phòng trừ đối tượng sâu bệnh hại phù hợp.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình thời tiết cũng như triệu chứng, mức độ lây lan của bệnh đạo ôn lá để người dân biết tổ chức phòng trừ. Hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa đúng kỹ thuật đặc biệt đối với những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh để giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu và có thể phục hồi trở lại.
Ngành nông nghiệp huyện Yên Thành hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc lúa và phòng trừ bệnh đạo ôn lá có hiệu quả.
Đối với những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh, điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại cần tạm dừng bón thúc đạm, giữ đủ nước trên ruộng và chỉ phun phòng trừ trên các diện tích có tỉ lệ nhiễm từ 5-10% lá bị hại trở lên bằng các thuốc đặc hiệu như: Beam 75WP, Katana 20SC, Filia 525 SE, Kabim 30 WP, Vista 72,5 WP, Tricom 75WP, Bankan 600 WP, Ninja 35 EC, Difusan 40 EC theo đúng liều lượng khuyến cáo, nếu bệnh vẫn tiếp tục phát sinh cần phun lại lần 2 sau phun lần 1 từ 5-7 ngày. Tuyệt đối không để người dân phun trừ trên những diện tích khi chưa đến ngưỡng phải phòng trừ nhằm bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái.
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn mình quản lý, đảm bảo cung ứng đúng thuốc, có nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định của Nhà nước.
Đối với Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc nhân dân phòng trừ kịp thời bệnh đạo ôn lá hại lúa. Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, điều tra dự tính dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh. Hướng dẫn các địa phương các biện pháp phòng trừ cụ thể để chỉ đạo nhân dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Phối hợp với các phòng, ban liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh buôn bán thuốc Bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện để kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc buôn bán kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thuốc quá hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến kết quả phòng trừ.
Tổng hợp tình hình về diện tích lúa bị nhiễm bệnh, diện tích được phun phòng trừ, công tác chỉ đạo sản xuất của cơ sở báo cáo lãnh đạo, đề xuất các giải pháp bổ cứu sản xuất kịp thời.
Người dân chỉ phun trừ ở những nơi có tỉ lệ nhiễm từ 5-10% trở lên bằng các loại thuốc đặc hiệu, tuyệt đối không phun trên những diện tích khi chưa đến ngưỡng, nhằm bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện: Chỉ đạo, đôn đốc cán bộ bám sát cụm, điểm được phân công tổ chức điều tra, dự tính, dự báo chính xác tình hình phát sinh của sâu bệnh đặc biệt là bệnh đạo ôn lá. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình thời tiết cũng như triệu chứng, mức độ lây lan của bệnh đạo ôn lá để người dân biết tổ chức phòng trừ. Hướng dẫn người dân các biện pháp cụ thể để xử lý các diện tích bị nhiễm bệnh nặng, các diện tích bị cháy để giúp cây trồng có thể phục hồi trở lại và không lây lan bệnh ra diện rộng.
Phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ, cách điều tra, nhận biết triệu chứng bệnh và các biện pháp phòng trừ, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc lúa đúng kỹ thuật đặc biệt đối với những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu để nhân dân chủ động triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, tình hình diễn biến thời tiết, phát sinh phát triển của sâu bệnh hại để người dân biết và chủ động tự giác thực hiện.
Trung tâm VHTT&TT Yên Thành