Chủ tịch UBND huyện Yên Thành ban hành Công điện về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn
Ngày 4 tháng 11 năm 2022, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành ký ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND gửi Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Thủ trưởng các phòng ban ngành liên quan.
Trên địa bàn huyện Yên Thành, từ đầu năm đến nay, xuất hiện 01 ổ dịch Cúm gia cầm H5N1 tại xã Hoa Thành. Ngoài ra, theo kết quả giám sát lưu hành vi rút Cúm gia cầm tại các chợ, điểm thu gom gia cầm ở các xã, thị trấn đã phát hiện một số mẫu dương tính với Cúm gia cầm A/H5N1.
Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh CGC gia tăng là rất cao, do: (1) Tổng đàn gia cầm lớn, nhưng chủ yếu là chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; (2) Vi rút CGC lưu hành trên đàn vật nuôi và trong môi trường chăn nuôi với tỷ lệ khá cao, trong khi đó nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh; (3) Người chăn nuôi nhập đàn gia cầm không có nguồn gốc xuất xứ, không kê khai sản xuất ban đầu; (4) Giết mổ gia cầm nhỏ lẻ còn phổ biến; (5) Thời tiết cực đoan, thay đổi bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh.
Để chủ động ngăn chặn các ổ dịch CGC phát sinh trên đàn gia cầm, hạn chế thấp nhất vi rút CGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và Thủ trưởng các phòng ban ngành liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; trong đó, tập trung triển khai một số nội dung sau:
1. UBND các xã, thị trấn
- Tăng cường công tác giám sát, phát hiện gia cầm mắc bệnh CGC A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng vi rút CGC khác. Khi phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với vi rút CGC A/H5, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC: Tiến hành tiêu hủy ngay đàn gia cầm theo đúng quy định và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng; Tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại xóm, xã có dịch và các xóm, xã vùng nguy cơ cao.
- Tổ chức tiêm phòng vụ Thu năm 2022 vắc xin CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm, đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm; thường xuyên rà soát tiêm bổ sung cho đàn gia cầm mới nhập đàn, tái đàn và gia cầm chưa được tiêm vắc xin CGC.
- Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên sát trùng bằng vôi bột, hóa chất. Thực hiện khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi sau lũ lụt, nhất là các vùng chăn nuôi bị ngập lụt nặng do ảnh hưởng của đợt bão số 4.
- Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, giết mổ gia cầm không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường giám sát đàn gia cầm, kịp thời phát hiện các trường hợp gia cầm bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột khu vực chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho đàn gia cầm, đặc biệt là vắc xin CGC.
- Yêu cầu các trang trại, hộ chăn nuôi: Tự giác kê khai hoạt động chăn nuôi của cơ sở theo quy định tại Luật Chăn nuôi, Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi để giám sát, quản lý. Những tổ chức, cá nhân chăn nuôi không thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi, không chấp hành tiêm phòng các bệnh bắt buộc cho vật nuôi theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; khi có thiên tai, dịch xảy ra sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.
2. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện
- Tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tiến hành lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm khi gia súc, gia cầm ốm, chết có dấu hiệu nghi các bệnh truyền nhiễm.
- Tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng;
- Hướng dẫn, đôn đốc cho các địa phương tiến hành tiêm phòng vụ Thu, tiêu độc khử trùng, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi đảm bảo phát triển bền vững,…
- Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn huyện.
- Tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cho UBND huyện (qua phòng NN&PTNT), Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh theo đúng quy định.
3. Phòng Nông nghiệp và PTNT
- Tăng cường kiểm ra, giám sát, theo dõi, chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn.
- Đôn đốc các xã, thị trấn tiêm phòng vắc xin vụ Thu năm 2022 đạt hiệu quả cao.
- Chủ động phối hợp với Công an huyện giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Chỉ đạo các cơ quan Thú y thông báo các trường hợp gia cầm bệnh, chết bất thường hoặc có biểu hiện của bệnh Cúm A(H5N1) để được kiểm tra, xác minh, chẩn đoán và có hướng xử lý kịp thời, tránh để dịch lây lan trên diện rộng.
- Tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cho UBND huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh theo đúng quy định.
4. Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện
- Chỉ đạo Trạm Y tế các xã, thị trấn tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc gia cầm, sản phẩm gia cầm.
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh cúm, hướng dẫn cộng đồng chủ động thực hiện tốt việc phòng bệnh như thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi, vận động người dân đi tiêm phòng cảm cúm đối với các chủng cúm đã có vắc xin.
- Thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; kịp thời báo cáo, tham mưu BCĐ phòng chống dịch bệnh huyện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
5. Phòng Văn hóa - TT và Trung tâm Văn hóa, TT &TT
Phối hợp với Phòng nông nghiệp và PTNT, Y tế cập nhật thường xuyên về bệnh Cúm A/H5 trên người, bệnh CGC trên đàn gia cầm, kịp thời thông tin đến người dân để chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh CGC.
6. Công an huyện
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và Thủ trưởng các phòng ban ngành liên quan thực hiện nghiêm Công điện này
Phòng Văn hóa – Thông tin (Tổng hợp)