Sở Tài chính nhận được Công văn số 5414/UBND-TH ngày 04/7/2023 của UBND tỉnh về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Ý kiến các cử tri Phùng Quang Diện, trú tại xóm Lê Lợi, xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ; Hồ Văn Mai, trú tại xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ; cử tri xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp; cử tri xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa; cử tri xã Viên Thành, huyện Yên Thành phản ánh sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, hiện nay, các xóm đang có nhà văn hóa dư thừa không sử dụng dẫn đến xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí. Trong khi đó, các nhà văn hóa đang sử dụng quá chật chội, không đủ điều kiện cho người dân sinh hoạt, gây nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các nhà văn hóa dôi dư, đồng thời, có phương án nâng cấp hoặc xây dựng mới các nhà văn hóa khối, xóm để đảm bảo phục vụ sinh hoạt của người dân, góp phần đảm bảo tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính có ý kiến trả lời các kiến nghị thuộc phạm vi quản lý như sau:
Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (được bổ sung, sửa đổi tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021) quy định về trình tự thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với tất cả các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định. Thời gian qua, UBND tỉnh và Sở Tài chính đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc và việc thực hiện sắp lại, xử lý nhà, đất đã được các địa phương quan tâm và đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, (thời điểm 30/6/2023) đã hoàn thành việc lập, trình phê duyệt và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là: 3.764/4.362 cơ sở, đạt 87%. Cụ thể, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại một số địa phương như:
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa dôi dư do sáp nhập xóm tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành. Hiện nay, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án 12 cơ sở nhà văn hóa của UBND xã Viên Thành dôi dư do sáp nhập xóm (theo Quyết định số 2044/QĐ-UBND ngày 12/7/2023), trong đó, giữ lại tiếp tục sử dụng 9 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 3 cơ sở.
- Đối với các cơ sở Nhà Văn hóa xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ: Đã phê duyệt theo Quyết định số 2291/QĐ-UBND ngày 4/8/2022: 8 cơ sở giữ lại, 1 cơ sở điều chuyển (Nhà Văn hóa Tân Lâm, dự kiến điều chuyển cho Trường Mầm non Tân Lâm), hiện đang trình phê duyệt 2 cơ sở: phương án thu hồi để quy hoạch thực hiện bán đấu giá.
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ: Có 15 nhà văn hóa; đang trình phê duyệt phương án giữ lại sử dụng 13 nhà văn hóa, phương án thu hồi 2 cơ sở để quy hoạch thực hiện bán đấu giá.
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa: Có 13 nhà văn hóa UBND tỉnh đã phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng tại Quyết định số 2039/QĐ-UBND ngày 12/7/2023 và Quyết định số 1429/QĐ-UBND ngày 25/5/2022.
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa dôi dư do sáp nhập xóm tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp: Có 12 cơ sở nhà văn hóa. Hiện nay, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án 10 cơ sở nhà văn hóa của UBND xã Yên Hợp dôi dư do sáp nhập xóm, trong đó: Giữ lại tiếp tục sử dụng 10 cơ sở (Quyết định số 3100/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 của UBND tỉnh); 1 cơ sở UBND huyện đang trong quá trình tổng hợp hồ sơ trình các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng với phương án dự kiến là giữ lại tiếp tục sử dụng; 1 cơ sở chưa thực hiện sắp xếp do chưa có hồ sơ pháp lý về đất đai.
Phương án sắp xếp là do địa phương đề xuất trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương, trong đó, đối với nhà văn hóa xóm thì một số địa phương do nhu cầu về các thiết chế văn hóa (về thư viện, các hoạt động văn hóa, thể thao..) nên các địa phương vẫn đề nghị sắp xếp theo phương án giữ lại tiếp tục sử dụng đối với các cơ sở nhà văn hóa sau sáp nhập.
Trường hợp địa phương đề xuất phương án bán đấu giá đối với nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập (sau khi lấy ý kiến của người dân địa phương sẽ quy hoạch 1 điểm mới, đấu giá địa điểm cũ để lấy nguồn kinh phí xây dựng lại), trên cơ sở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới thì thống nhất theo đề xuất của địa phương và HĐND tỉnh cũng đã có cơ chế, chính sách đối với kinh phí thu được từ bán đấu giá cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập, cụ thể như sau:
- Chính sách đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị công trình khu văn hóa - thể thao cho các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khối, xóm được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND[1], cụ thể:
“1. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị 15 công trình nhà văn hóa và 11 công trình sân vận động, cho các xã, phường, thị trấn.
a) Các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực III, khu vực II: Hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không vượt quá 2,8 tỷ đồng đối với nhà văn hóa và 960 triệu đồng đối với sân vận động;
b) Các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực 1: Hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không vượt quá 2,1 tỷ đồng đối với nhà văn hóa và 720 triệu đồng đối với sân vận động;
c) Các xã, phường, thị trấn còn lại: Hỗ trợ 40% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không vượt quá 1,4 tỷ đồng đối với nhà văn hóa và 480 triệu đồng đối với sân vận động.
2. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị 83 công trình khu văn hóa - thể thao cho thôn, bản, khối, xóm:
a) Các thôn, bản, khối, xóm đặc biệt khó khăn và các thôn, bản, khối, xóm ở các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các thôn, bản, khối, xóm sau khi sáp nhập thuộc khu vực III, khu vực II: Hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không vượt quá 320 triệu đồng;
b) Các thôn, bản, khối, xóm ở các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I và các thôn, bản, khối, xóm sau khi sáp nhập: Hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không vượt quá 240 triệu đồng".
- Tại Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND[2], HĐND tỉnh đã quy định để lại và điều tiết 100% tiền bán cơ sở nhà, đất đối với tài sản công để đầu tư trở lại xây dựng trụ sở các cơ quan, đơn vị có tài sản theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, trường hợp các nhà văn hóa của các xóm cũ không đảm bảo khuôn viên và vật chất để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân sau sáp nhập mà thực hiện phương án bán đấu giá để thực hiện quy hoạch địa điểm mới hoặc mở rộng diện tích hiện có thì sau khi bán đấu giá được sử dụng số tiền thu được bán đấu giá để xây dựng mới theo quy định tỷ lệ tại Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 nêu trên.
[1] Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025;
[2] Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025.
Nguồn: baonghean.vn